Turn your device in landscape mode.
logo
20 oC
Thứ tư
11/12/2024
20oC
Thứ năm
12/12/2024
19oC
Thứ sáu
13/12/2024
17oC
Thứ bảy
14/12/2024
14oC
Chủ nhật
15/12/2024
14oC
VinWonders Cửa Hội
3
Chọn điểm đến

Chọn ngày
Người lớn
*cao từ 140cm
Trẻ em
*cao từ 100cm-140cm *cao từ 80cm-140cm
Người cao tuổi *từ 60 tuổi
Chùa Bửu Long

Chùa Bửu Long – Ngôi chùa đậm chất Thái Lan giữa Sài Gòn

02/11/2024 460 views
5/5 - (1 vote)

Chùa Bửu Long, một trong những ngôi chùa đẹp nhất TP.HCM, gây ấn tượng với kiến trúc Thái Lan độc đáo và khuôn viên xanh mát rộng lớn. Nổi bật là ngọn bảo tháp Gotama Cetiya rực rỡ cùng những tháp nhỏ bằng đồng xung quanh, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp thu hút du khách đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh.

Chùa Bửu Long ảnh đẹp, thu hút khách du lịch

Chùa Bửu Long ảnh đẹp, thu hút khách du lịch (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Bửu Long còn có tên gọi khác là Thiền viện Tổ đình Bửu Long, là địa điểm nổi tiếng, được nhiều du khách ghé thăm khi du lịch Sài Gòn. Chùa có khuôn viên rộng đến 11ha, du khách thường đến đây để cầu nguyện, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa đậm chất Thái Lan. 

1. Địa chỉ chùa Bửu Long & hướng dẫn đường đi

Chùa Bửu Long tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, TP Thủ Đức (Quận 9 cũ), cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20km về hướng Đông Bắc. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp ở Quận 9 thu hút du khách gần xa đến hành hương, tham quan. Du khách có thể dễ dàng di chuyển đến chùa bằng nhiều cách khác nhau như:

  • Từ tỉnh thành khác: Nếu bạn xuất phát từ các tỉnh thành khác, bạn hãy đi xe khách, tàu hỏa hoặc máy bay đến Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, bạn có thể đến chùa Bửu Long theo 3 hướng dưới đây.
  • Từ ngã tư Thủ Đức: Bạn hãy rẽ vào đường Lê Văn Việt, đi khoảng 4.5km bạn sẽ thấy ngã ba Mỹ Thành, bạn hãy rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Tăng. Di chuyển tiếp khoảng 2km, bạn cho xe rẽ vào Nguyễn Xiển. Khi đã đi qua trường THPT Nguyễn Văn Tăng khoảng 1km, bạn sẽ thấy ngay chùa Bửu Long.
  • Từ hầm Thủ Thiêm: Nếu du khách chọn hướng đi từ hầm Thủ Thiêm thì khi chạy trên đại lộ Mai Chí Thọ, bạn hãy rẽ phải vào Nguyễn Thị Định, đi khoảng 700m thì rẽ trái vào đường Nguyễn Duy Trinh. Bạn đi hết đường là sẽ thấy Nguyễn Xiển, đi thêm khoảng 3km là tới chùa Bửu Long nổi tiếng.
  • Từ Suối Tiên: Sau khi đã tham quan Suối Tiên, du khách muốn ghé thăm chùa Bửu Long thì có thể di chuyển theo hướng Xa lộ Hà Nội – Suối Tiên. Bạn chạy khoảng 2.5km thì rẽ vào ngã ba đường. Khi chạy đến hết đường là sẽ đến Nguyễn Xiển. Bạn rẽ phải vào Đồng Tròn và di chuyển thêm 700m thì sẽ nhìn thấy chùa Bửu Long bên tay phải.

Ngoài ra còn có xe buýt đi chùa Bửu Long. Bạn có thể đi xe buýt số 61-1 (Thủ Đức – Dĩ An) và xin xuống trạm trước cổng chùa.

Xem thêm: Quận 9 có gì chơi? 15 khu vui chơi Quận 9 hấp dẫn nhất

2. Lịch sử hình thành Thiền viện Tổ đình Bửu Long

Chùa Bửu Long được xây dựng từ 1942. Đến năm 2007, chùa được trùng tu và xây dựng thêm. Chùa sở hữu lối kiến trúc đặc trưng của các chùa Thái Lan, Ấn Độ và kết hợp cùng nét kiến trúc các chùa thời Nguyễn tạo nên vẻ đẹp ấn tượng, độc đáo. Từng công trình tại đây đều được xây dựng kỳ công, chạm trổ cầu kỳ với tông trắng chủ đạo và điểm nhấn là sắc vàng uy nghi, nghiêm trang. Cũng bởi kiến trúc mang phong cách của những ngôi chùa xứ Chùa Vàng, nên chùa Bửu Long còn được nhiều người gọi với cái tên là chùa Thái Lan. Dẫu vậy, các họa tiết chạm trổ tượng rồng trong các công trình ở chùa vẫn thể hiện được dấu ấn văn hóa Việt rõ nét.

Với lịch sử hơn 80 năm và đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng đến nay, ngôi chùa vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng. Chùa Bửu Long đã được tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn là một trong 10 ngôi chùa có kiến trúc Phật giáo đặc sắc nhất thế giới vào năm 2019.

Lịch sử chùa Bửu Long đã hơn 80 năm

Lịch sử chùa Bửu Long đã hơn 80 năm (Ảnh: Sưu tầm)

Kiến trúc độc đáo của chùa Bửu Long

Ngôi chùa mang nét đẹp đặc trưng của xứ sở chùa Vàng, giao thoa với kiến trúc Ấn Độ và các chùa thời nhà Nguyễn (Ảnh: Sưu tầm)

Tìm hiểu thêm: 3 ngôi chùa Ấn Độ đậm dấu ấn Hindu giáo ở Sài Gòn

3. Tham quan chùa Bửu Long có gì?

3.1. Khám phá kiến trúc độc đáo mang phong cách Thái Lan

3.1.1. Khuôn viên chùa

Chùa Bửu Long có khuôn viên rộng đến 11ha, là một trong những khuôn viên chùa rộng bậc nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây được bao phủ bởi màu xanh của cây cối và hồ bán nguyệt dưới chân bảo tháp. Ở sân chính của chùa có hàng thạch đăng tự được chạm trổ cầu kỳ theo kiến trúc Phù Nam cổ xưa.

Khuôn viên chùa rộng lớn, phủ đầy cây xanh

Chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn, phủ đầy cây xanh, mang đến không khí yên bình, thư thái (Ảnh: Sưu tầm)

3.1.2. Chánh điện chùa Bửu Long

Chánh điện chùa Bửu Long ngày nay được trùng tu từ di tích cũ – nơi Tổ sư và Đại đức Lão Tâm để lại. Chánh điện và khuôn viên chùa được thiết kế theo bản vẽ của trụ trì – Hòa thượng Thích Viên Minh. Kiến trúc vẫn giữ nguyên được hình dáng cũ, chủ yếu là tôn tạo cho khang trang và tiện nghi hơn. 

Bên cạnh đó, chùa được tu bổ thêm phần tiền đường và một vài chi tiết phối hợp giữa kiến trúc Phật giáo Đông Nam Á với kiến trúc triều đại nhà Nguyễn. Chánh điện còn có một động khổ hạnh tưởng niệm sáu năm Bồ-tát Tất-đạt-đa tu khổ hạnh và một tượng Phật nằm được tạc công phu từ đá granite dài 8m, nặng hơn 50 tấn. Xung quanh tượng được trang trí bằng 10 trụ đèn bằng đá granite, điêu khắc theo mẫu trụ đá vua Asoka (A Dục) tại các Phật tích Ấn Độ.

Chánh điện trang nghiêm để cúng bái, lễ Phật

Chánh điện là nơi để mọi người cùng cúng bái, lễ Phật (Ảnh: Sưu tầm)

3.1.3. Bảo tháp Gotama Cetiya

Bảo tháp Gotama Cetiya chính là điểm nhấn của chùa Bửu Long, là ngôi bảo tháp có quy mô hoành tráng nhất Việt Nam. Tòa tháp được xây dựng từ năm 2007, cao 56m, rộng khoảng 2000m2, có sức chứa lên đến 2000 người. 

Cả tòa tháp được phủ một màu trắng tinh khiết, điểm thêm các hoạt tiết và đỉnh chóp sơn thếp vàng rất nổi bật. Nhìn từ xa, tháp Gotama Cetiya như một viên ngọc lấp lánh giữa đồi xanh. Xung quanh tháp chính cao 7 tầng là 5 tháp nhỏ màu vàng đồng óng ánh. Trên đỉnh tòa tháp Gotama Cetiya là nơi thờ Xá Lợi Đức Phật và Xá Lợi chư Thánh Arahán.

Từ tầng cao nhất của tháp, Phật tử và du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh khuôn viên chùa và các khu vực lân cận. Khi xuống dưới chân tháp, bạn sẽ bắt gặp hồ bán nguyệt màu xanh ngọc có diện tích 280m2, ở giữa có vòi phun nước hình rồng.

Tòa bảo tháp Gotama Cetiya uy nghiêm, lộng lẫy

Tòa bảo tháp Gotama Cetiya uy nghiêm, lộng lẫy như lâu đài (Ảnh: Sưu tầm)

3.2. Ngắm nhìn cảnh sắc yên bình của ngoại ô thành phố từ trên cao

Từ chánh điện, bạn có thể đi lên tầng cao nhất hoặc đi ra các hành lang để ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Từ trên cao, du khách sẽ chiêm ngưỡng được khuôn viên xanh mướt bên dưới và cảnh sắc yên bình của ngoại ô thành phố. Bạn còn được tận hưởng làn gió mát lạnh, lắng nghe tiếng chuông gió ngân vang từ đỉnh tháp.

Khung cảnh nhìn từ tòa tháp Gotama Cetiya nhìn ra khuôn viên chùa

Khung cảnh nhìn từ tòa tháp Gotama Cetiya nhìn ra khuôn viên chùa (Ảnh: Sưu tầm)

3.3. Lễ Phật, tìm về sự an yên trong tâm hồn

Tách mình khỏi sự xô bồ, tấp nập của thành phố, chùa Bửu Long thu hút du khách và Phật tử bởi sự thanh tịnh, yên bình. Chính vì vậy, nơi này đã trở thành một điểm hành hương, lễ Phật và là địa điểm lý tưởng cho việc ngồi thiền của các tín đồ Phật giáo.

Không giống như những ngôi chùa truyền thống với khói hương nghi ngút, nơi đây không có sự xuất hiện của nhang khói. Du khách khi đến đây không cần mang nhang đèn hay lễ vật, chỉ cần thành tâm cầu nguyện. Điều này làm cho không gian của chùa càng trở nên an yên, tĩnh lặng, giúp mọi người quên đi những lo âu và phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày. Chùa Bửu Long chính là nơi để du khách có thể tìm kiếm sự thanh tịnh và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

3.4. Sống ảo cháy máy với vô vàn background cực chất

Chùa Bửu Long là địa điểm chụp hình đẹp ở Sài Gòn thu hút du khách với khung cảnh đậm chất Thái Lan. Đến đây, bạn đừng bỏ qua những góc check in xịn sò như toà bảo tháp Gotama Cetiya lộng lẫy; hồ bán nguyệt xanh trong được bao bọc bởi đường viền chạm trổ cầu kỳ; những trụ đá, tường chạm khắc tinh xảo; khuôn viên ngập tràn cây xanh… Ngoài ra, để có những tấm hình đẹp lung linh, bạn nên chọn trang phục màu đỏ, vàng hoặc trắng và mang theo phụ kiện như mũ, kính mát, ô…

Check in ngôi chùa Thái Lan Quận 9 - chùa Bửu Long

Chùa Bửu Long là địa điểm check in quen thuộc của nhiều du khách khi đến với Sài Gòn (Ảnh: Sưu tầm)

3.5. Trải nghiệm các món chay thanh tịnh trong khuôn viên chùa

Không chỉ được thưởng lãm cảnh chùa và cầu nguyện, du khách còn có cơ hội thưởng thức vô vàn món chay thanh tịnh trong khuôn viên chùa. Trong lúc tham quan cảnh đẹp, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các quầy hàng bán bún riêu chay, bún bò chay… Món nào cũng rất thơm ngon, thanh đạm, thích hợp để bạn lót dạ sau một ngày khám phá chùa.

Bên cạnh đó, một số cửa hàng ăn trong khuôn viên chùa còn có món kem mát lạnh đang chờ bạn thưởng thức. Giữa tiết trời nắng nóng, những que kem ngọt lịm sẽ giúp bạn xua đi cảm giác mệt mỏi.

Món bún riêu chay thơm ngon trong chùa Bửu Long

Món bún riêu chay thơm ngon, ngọt thanh được nhiều thực khách lựa chọn khi ghé thăm chùa (Ảnh: Sưu tầm)

Khám phá: 25 ngôi chùa ở Sài Gòn nổi tiếng, đẹp an yên và linh thiêng

4. Những lưu ý cần ghi nhớ khi đi chùa Bửu Long

Vì chùa Bửu Long là công trình tôn giáo và là nơi thờ cúng linh thiêng nên du khách cần lưu ý một số điều trước khi tham quan chùa dưới đây:

  • Du khách nên lựa chọn trang phục phù hợp, kín đáo. Bạn hãy chọn quần dài, váy dài, áo dài tay, kín cổ khi đến lễ Phật, tránh mặc quần áo hở hang, không trang trọng.
  • Bạn hãy nhớ cởi giày dép trước khi bước lên bảo tháp, đặt ngay ngắn vào chỗ đựng giày. Khu vực để giữ giày dép cho du khách thường nằm ở phía bên hông của chùa, nên bạn có thể yên tâm để giày tại đây.
  • Khi vào chùa Bửu Long, bạn không nên đùa giỡn, nói to để tránh phá vỡ không gian thanh tịnh của chùa.
  • Hạn chế quay phim, chụp ảnh, làm ồn ở bên trong bảo tháp.
  • Giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên chùa, chánh điện. Không vứt rác bừa bãi và không hái hoa, cây trong khuôn viên. 
  • Du khách nên mang theo mũ, kính râm, kem chống nắng… để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng.
  • Vào ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ, số lượng du khách tham quan khá đông. Nếu bạn muốn đến chụp ảnh thì hãy đi vào những ngày thường, vắng người để có những bức ảnh ưng ý nhất.
Lưu ý khi tham quan chùa Bửu Long

Du khách nên mặc trang phục lịch sự, giữ trật tự khi tham quan chùa Bửu Long (Ảnh: Sưu tầm)

5. Những địa điểm du lịch quanh chùa Bửu Long Quận 9

Sau khi đã tham quan chùa Bửu Long, du khách đừng quên dành thời gian ghé thăm các địa điểm du lịch Sài Gòn nổi tiếng khác lân cận sau đây:

5.1. Chùa Châu Đốc 3 (cách 800m)

Chùa Châu Đốc 3 (còn gọi là chùa Phước Long) nằm yên bình giữa sông Đồng Nai trên cù lao Long Bình, quận 9, TP.HCM, mang đến không gian thanh tịnh khác biệt với sự náo nhiệt thành phố. Với kiến trúc độc đáo gồm cổng tam quan chạm khắc rồng, tòa Chính điện ba tầng uy nghi, cùng các tượng Phật lộ thiên, chùa thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái, cầu an và thả cá phóng sinh quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào các ngày rằm lớn.

Chùa Châu Đốc 3 uy nghiêm

Chùa Châu Đốc 3 uy nghiêm, linh thiêng nằm giữa sông Đồng Nai (Ảnh: Sưu tầm)

5.2. Công viên chủ đề VinWonders Grand Park (cách 5,7km)

Khai trương vào tháng 12/2024, công viên chủ đề VinWonders Grand Park hứa hẹn mang đến không gian giải trí độc đáo với hàng loạt trải nghiệm đa dạng dành cho mọi lứa tuổi. Nổi bật tại đây là công viên nước “Hòn đảo nhiệt đới,” nơi du khách có thể tận hưởng làn nước mát lạnh với các đường trượt hiện đại; chinh phục những trò chơi cảm giác mạnh như “Cú rơi siêu tốc”, “Thần long cuộn sóng”; trải nghiệm “Vịnh sóng thần” và chèo thuyền kayak sôi động giữa lòng thành phố!

Bên cạnh đó, “Khu vườn mộng mơ” sẽ đưa bạn vào không gian cổ tích với điểm nhấn là 15 cây ánh sáng cao đến 20m cùng các trò chơi gia đình vui nhộn, từ đu quay ngựa gỗ đến chuyến tàu phiêu lưu toàn cảnh. VinWonders Grand Park không chỉ là nơi vui chơi giải trí mà còn tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ cho gia đình, nhóm bạn và cặp đôi.

Công viên VinWonders Grand Park

VinWonders Grand Park hứa hẹn sẽ trở thành vũ trụ giải trí đẳng cấp và hút khách hàng đầu tại TP. HCM

5.3. Bảo tàng Áo Dài (cách 10,5km)

Bảo tàng Áo Dài, tọa lạc trên cù lao Phường Long Phước, TP. Thủ Đức, là nơi lưu giữ và tôn vinh những câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Chính thức hoạt động từ 22/01/2014, bảo tàng không chỉ trưng bày những hiện vật và tư liệu quý giá mà còn kết nối áo dài với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, như Quan họ và Đờn ca tài tử. Ngoài các chuyên đề triển lãm, bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và trải nghiệm dân gian, mang đến cho du khách cả trong và ngoài nước những kỷ niệm độc đáo và sâu sắc về văn hóa Việt Nam.

Bên trong bảo tàng Áo Dài

Bảo tàng Áo Dài là nơi du khách có thể tìm hiểu về chiếc áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, tham quan và check in (Ảnh: Sưu tầm)

5.4. Đầm sen Tam Đa (cách 12km)

Đầm Sen Tam Đa là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, muốn tìm chốn bình yên để tạm rời xa nhịp sống hối hả của thành phố. Nổi bật với hàng ngàn hoa sen nở rộ, tạo khung cảnh thơ mộng, du khách đến đây thường mặc áo dài truyền thống hay áo yếm để ghi lại những bức ảnh đẹp, đặc biệt vào buổi sáng từ 5h đến 9h khi ánh nắng le lói. Ngoài hoa sen, đầm còn có nhiều vườn hoa khác, trong đó vườn hoa hướng dương rực rỡ từ 9h sáng đến 4h chiều.

Đầm sen Tam Đa nở rộ đẹp mắt

Đầm sen Tam Đa không chỉ là địa điểm check in hấp dẫn mà còn là nơi thư giãn lý tưởng (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Bửu Long là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều du khách yêu thích. Khi đến đây, bạn sẽ được trút bỏ hết mọi sân si, phiền muộn rồi hòa mình vào chốn thanh bình. Nếu có cơ hội du lịch đến đây, bạn đừng quên dành thời gian ghé thăm và đi lễ Phật tại ngôi chùa đậm chất Thái Lan này. Còn chần chờ gì nữa, hãy lưu ngay những kinh nghiệm tham quan chùa Bửu Long phía trên để có những trải nghiệm tốt nhất nhé!

Chia sẻ tin qua:
  • Copy to clipboard

Bài viết liên quan

Tìm vé
Đặt vé