- 1. Đôi nét về chùa Ngọc Hoàng
- 2. Lịch sử của chùa Ngọc Hoàng Quận 1
- 3. Kiến trúc độc đáo của chùa Ngọc Hoàng
- 4. Chùa Ngọc Hoàng thờ những ai?
- 5. Đi chùa Ngọc Hoàng cầu gì? Cách cầu được ước thấy
- 6. Lễ hội chùa Ngọc Hoàng Thành phố Hồ Chí Minh
- 7. Những lưu ý khi đi chùa Ngọc Hoàng Mai Thị Lựu
- 8. Các địa điểm tham quan gần chùa Ngọc Hoàng Quận 1
Du lịch Sài Gòn là lựa chọn hàng đầu của team mê “xê dịch” khi muốn giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Bên cạnh các địa điểm du lịch xanh, nền ẩm thực ngon nức tiếng, những điểm đến tâm linh như chùa Ngọc Hoàng được nhiều du khách yêu thích nhờ không gian trong lành, thanh tịnh.
1. Đôi nét về chùa Ngọc Hoàng
Ngoài chùa Hoằng Pháp, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngọc Hoàng cũng là một trong những điểm đến được người dân thường xuyên lui tới, đặc biệt là ngày rằm và mùng 1 hàng tháng. Vậy chùa Ngọc Hoàng ở đâu? Công trình này có tên gọi khác là Ngọc Hoàng Điện, tên chữ là Phước Hải Tự.
Chùa tọa lạc ở số 73 đường Mai Thị Lựu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi cổ tự mang dấu ấn kiến trúc của đền chùa Trung Hoa với các họa tiết trang trí rực rỡ, nổi tiếng bởi sự kỳ bí, linh thiêng. Hằng năm, chùa ở Sài Gòn này thu hút nhiều người đến cầu duyên, cầu con, cầu bình an phước lành.
1.1. Cách di chuyển đến chùa
Bạn có thể di chuyển đến chùa Ngọc Hoàng bằng một trong các loại phương tiện sau:
- Xe buýt: Các tuyến xe buýt số 18, 93, 150 dừng gần chùa tại các trạm trên đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, hoặc gần Đài Truyền hình TP.HCM. Từ đây, bạn có thể đi bộ, gọi xe ôm hoặc taxi đến chùa.
- Xe máy, ô tô: Nếu đi bằng xe cá nhân, bạn chỉ cần tìm địa chỉ trên bản đồ và đi theo hướng dẫn.
- Taxi/xe ôm: Để di chuyển nhanh chóng và thoải mái, bạn có thể gọi taxi hoặc đặt xe Grab trực tiếp đến chùa.
- Phương tiện từ các tỉnh khác: Nếu đến từ các tỉnh khác, bạn có thể chọn máy bay hoặc xe khách. Khi đến trung tâm TP.HCM, hãy đặt taxi hoặc xe ôm để tới chùa. Với các xe kích thước lớn, cần lưu ý vì đường Mai Thị Lựu khá hẹp.
1.2. Chùa Ngọc Hoàng mấy giờ đóng cửa?
Ngoài địa chỉ, chùa Ngọc Hoàng giờ mở cửa như thế nào cũng là vấn đề được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu. Địa điểm du lịch tâm linh này mở cửa mỗi ngày. Du khách có thể đến tham quan, vãn cảnh, cầu nguyện từ 7h – 18h hằng ngày, riêng ngày mùng 1 và ngày rằm mở cửa từ 5h – 19h.
* Lưu ý: thông tin mang tính chất tham khảo, giờ mở cửa, đóng cửa chùa Ngọc Hoàng có thể thay đổi tuỳ vào từng thời điểm, du khách vui lòng liên hệ với ban quản lý chùa để cập nhật thời gian chính xác.
Gợi ý: Toplist địa điểm du lịch Sài Gòn nổi tiếng, không thể bỏ qua
2. Lịch sử của chùa Ngọc Hoàng Quận 1
Những câu chuyện liên quan đến lịch sử chùa Ngọc Hoàng được nhiều du khách quan tâm, tìm hiểu. Theo truyền thuyết kể lại, ngôi chùa do Lưu Minh – người Quảng Đông (Trung Quốc) có pháp danh là Lưu Đạo Nguyên xây dựng.
Học giả Vương Hồng Sển cho rằng Lưu Đạo Nguyên là người theo đạo Minh Sư, có thói quen ăn chay trường, xuất tiền của lập chùa, vừa làm hội kín nhằm lật đổ nhà Mãn Thanh, vừa làm nơi thờ phụng. Bên cạnh đó, theo ông, chùa Ngọc Hoàng khởi công xây dựng năm 1905, hoàn thành vào năm 1906. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng ngôi cổ tự này được thành lập vào năm 1900.
Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1943, 1958, 1985, 1986, công trình này vẫn giữ được nét kiến trúc Trung Hoa đặc trưng với các tác phẩm chạm khắc tinh xảo, họa tiết trang trí rực rỡ. Ngày nay, tuy nằm giữa chốn Sài Gòn hoa lệ song chùa Ngọc Hoàng vẫn có 4 mùa xanh mát dưới tán cây cổ thụ, không gian vô cùng yên tĩnh và trang nghiêm. Đến đây, du khách sẽ có cảm giác như bước vào một thế giới hoàn toàn khác, bình yên và tĩnh lặng, khác xa với phố thị ồn ào. Với giá trị to lớn, chùa Ngọc Hoàng đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.
3. Kiến trúc độc đáo của chùa Ngọc Hoàng
Kiến trúc chùa Ngọc Hoàng gây ấn tượng bởi những mô típ trang trí rực rỡ, mang đậm dấu ấn của đền chùa Trung Hoa. Ngôi cổ tự được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí góc mái, bờ nóc bằng các tượng gốm nhiều màu sắc. Nơi đây có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như tượng thờ, tranh thờ, bao lam, hương án, liễn đối… làm từ các chất liệu như gỗ, giấy bồi, gốm…
Ngọc Hoàng Điện là ngôi chùa duy nhất tại nước ta sở hữu các bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện những cuộc họp mặt của các vị thần thánh khi về chầu Ngọc Hoàng. Địa điểm này có tổng diện tích khoảng 2.300m2. Phía trước ngôi chùa đặt một bức tượng Hộ pháp. Cổng tam quan bề thế có hai con rồng theo tư thế “tranh châu” với những đường nét uốn lượn hình sóng nước. Ngay giữa sân chùa là bể cá đủ loại, phía bên phải là bể rùa. Bể nào cũng đầy ắp rùa, cá, đặc biệt là có những con to quá cỡ do người đến cầu nguyện thả vào.
Khu vực thờ tự của chùa Ngọc Hoàng Sài Gòn được chia thành 3 gian, bao gồm gian trái, gian phải và gian giữa. Mỗi gian giống như một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, mang đậm nét cổ xưa. Trong đó, gian giữa lớn nhất gồm chánh điện, tiền điện và trung điện. Gian phải gồm điện thờ Phật Bà và nhà nghỉ. Gian trái có 3 điện thờ.
Xem thêm: 15+ địa điểm vui chơi Quận 1 hấp dẫn nhất
4. Chùa Ngọc Hoàng thờ những ai?
Chùa Ngọc Hoàng thờ ai? Hiện nay, khu vực chính điện của chùa đang thờ Huyền Thiên Bắc Đế, Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thiên binh, thiên tướng. Bên cạnh đó, ngôi cổ tự này còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu – vị thần trông coi việc sinh nở và 12 bà mụ, mỗi bên 6 bà với nhiều tư thế khác nhau, mỗi bà lo một việc: nắn chân, nắn tay, nắn đầu, dạy trẻ tập nói, tập đi… Vì vậy, khi mang thai, nhiều người thường đến đây để cầu mẹ tròn con vuông, mong muốn đứa bé ra đời một cách bình an và suôn sẻ.
Không chỉ vậy, nơi đây còn có phối thờ Đại Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Môn Quan (thần giữ cửa), Thiên Lôi, thần Hà Bá (thần sông nước), thần Táo Quân (thần lò bếp), Văn Xương, thần Lã Tổ (thần văn chương), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Thái Tuế (sao giải hạn), 13 đức thầy… Ngoài ra, chùa còn thờ cả thần Thành hoàng.
5. Đi chùa Ngọc Hoàng cầu gì? Cách cầu được ước thấy
Nếu muốn cầu bình an, sức khoẻ, tài lộc, con cái… du khách hãy đến chùa Ngọc Hoàng. Mỗi mục đích có cách cầu nguyện khác nhau. Cụ thể như sau:
5.1. Cách cầu con
Nhiều năm qua, ngôi cổ tự này được biết đến là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng bậc nhất tại Sài Gòn. Mỗi năm có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, chậm có con đến điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ để cầu mong đường con cái suôn sẻ, thuận lợi. Chính vì vậy, điện Kim Hoa Thánh Mẫu luôn là nơi được du khách thập phương đến hành hương, cầu nguyện nhiều nhất bất kể đó là ngày thường hay ngày lễ.
Khi đến chùa Ngọc Hoàng, du khách sẽ được 1 cụ bà đứng túc trực đứng cạnh Kim Thoa Thánh Mẫu hướng dẫn cách cầu khấn. Với những nghi lễ đơn giản, không quá phức tạp, nhiều người sẵn lòng đến chùa thành kính dâng lễ cầu nguyện. Thực tế, nhiều người đã đạt được ý nguyện quay lại chùa Ngọc Hoàng để tạ lễ.
5.2. Cách cầu duyên
Bên cạnh cầu con, chùa Ngọc Hoàng cũng là một trong những địa điểm cầu duyên vô cùng linh thiêng tại Sài Gòn. Đôi tình nhân trắc trở hay một người đã phải lòng ai đó và muốn nên duyên vợ chồng với người ấy có thể về đây thắp hương, khấn tên mình và tên nửa kia, thành tâm cầu nguyện. Như vậy, mọi ý nguyện đều dễ dàng thành hiện thực.
5.3. Cách cầu bình an, sức khoẻ
Vào ngày mùng 1 đầu tháng hay ngày rằm, người dân và du khách thập phương lui đến chùa để cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu. Đến đây, bạn có thể chuẩn bị lễ vật, dâng hương và thành tâm cầu nguyện tại tượng tiên nữ Hoa Đà. Ngoài ra, chùa Ngọc Hoàng còn là địa điểm chơi Tết ở Sài Gòn được nhiều người lựa chọn để chiêm bái và cảm nhận không gian thanh tịnh, yên bình.
5.4. Cách cầu tài lộc
Bên trong Ngọc Hoàng Điện có ngôi miếu Thần Tài rất linh thiêng. Đây là nơi du khách thường xuyên lui tới để cầu tài lộc, may mắn. Bạn có thể chuẩn bị mâm lễ trái cây, hoa quả, bánh kẹo… dâng lên Thần Tài và khấn vái như bình thường. Bên cạnh đó, một số du khách còn cầu tài lộc bằng một cách khá độc đáo chính là thả cá chép vàng và cá chép đỏ.
6. Lễ hội chùa Ngọc Hoàng Thành phố Hồ Chí Minh
Lễ Vía Ngọc Hoàng là một trong những lễ hội lớn nhất ở ngôi cổ tự này. Lễ hội này diễn ra từ ngày 9 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết, đây là ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vào dịp này, lượng du khách đến viếng thăm, dâng hương chùa Ngọc Hoàng khá đông bởi đây là ngày đại lễ ban phúc lành lớn.
7. Những lưu ý khi đi chùa Ngọc Hoàng Mai Thị Lựu
Theo kinh nghiệm đi chùa Ngọc Hoàng, du khách cần lưu ý một số vấn đề sau để hành trình khám phá nơi đây diễn ra suôn sẻ, trọn vẹn:
- Ăn mặc giản dị, kín đáo và sạch sẽ, tuyệt đối không mặc quần cộc, váy ngắn, áo ba lỗ… để tránh bất kính với giới tâm linh.
- Nếu có trẻ em đi cùng, bạn cần chú ý trông coi trẻ, không để con chạy nhảy, va chạm vào đồ tế khí.
- Không nên dùng lễ mặn để cầu khấn, chỉ cần hoa quả, hương hoa và bánh kẹo là được.
- Đến chùa, bạn đi vào bằng cửa Giả quan bên tay phải và đi ra bằng cửa Không qua ở bên trái. Cửa Trung quan chỉ dành cho các bậc cao tăng, khoa bảng và Thiên tử.
- Không nói chuyện, tự ý chạy qua chạy lại, bình phẩm, nằm hoặc ngồi trong Phật đường.
- Không tự ý sờ, chạm hoặc làm thay đổi vị trí đồ vật trong chùa.
- Tắt chuông điện thoại, không nói to, cười đùa để giữ yên tĩnh cho chùa.
- Không tự ý quay phim, chụp ảnh.
- Khi đứng khấn vái, du khách nên đứng chéo sang một bên, không đứng thẳng trước bàn thờ.
8. Các địa điểm tham quan gần chùa Ngọc Hoàng Quận 1
Kết thúc hành trình khám phá chùa Ngọc Hoàng, du khách có thể kết hợp tham quan một số địa danh tuyệt đẹp gần đây như:
- Thảo Cầm Viên (cách 1,2km): Là vườn thú có tuổi thọ cao thứ 8 trên thế giới, đang lưu trữ hơn 2.000 cây gỗ, 1.000 cá thể động vật thuộc 260 loài, 33 loài xương rồng và 23 loài lan nội địa trên diện tích 17ha. Với không gian trong lành, thoáng mát cùng hệ động thực vật đa dạng, đây chính là địa điểm vui chơi cuối tuần lý tưởng cho du khách, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.
- Bưu điện trung tâm Sài Gòn (cách 2,6km): Được xây dựng từ năm 1886 – 1891 do 2 kiến trúc sư người Pháp là Henri Auguste Vildieu và Alfred Foulhoux thiết kế. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, đây là bưu điện lớn nhất của nước ta vẫn giữ được lối thiết kế ban đầu. Bưu điện thành phố tọa lạc song hành cùng Nhà thờ Đức Bà tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt của Sài Gòn.
- Dinh Độc Lập (cách 2,7km): Nơi đây có tên gọi khác là Dinh Thống Nhất. Đây là một trong những công trình biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Tọa lạc ngay trung tâm Quận 1, Dinh Độc Lập nổi bật với nét đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại.
- Chợ Bến Thành (cách 3,5km): Ra đời từ năm 1914, chợ Bến Thành không chỉ là nơi mua bán sầm uất mà còn là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của thành phố. Hiện nay, nơi đây đang bày bán nhiều mặt hàng như quần áo, vải vóc, giày dép, hàng thổ cẩm, trang sức…
Với không gian thanh tịnh, trong lành cùng nét kiến trúc độc đáo, chùa Ngọc Hoàng Thành phố Hồ Chí Minh chính là điểm đến không thể bỏ qua của các du khách yêu thích kiến trúc xưa. Đặc biệt, nếu muốn cầu bình an, sức khoẻ, con cái, tình duyên, bạn có thể đến chùa dâng lễ và cầu nguyện. Sự thành tâm chắc chắn sẽ được các vị thần linh chứng giám và phù hộ cho mọi mưu cầu đều toại nguyện. Hy vọng qua bài viết trên, du khách đã có thêm kinh nghiệm khám phá chùa Ngọc Hoàng hữu ích, từ đó có thêm gợi ý trải nghiệm cho kỳ nghỉ sắp tới.
Bên cạnh chùa Ngọc Hoàng, Sài Gòn còn có rất nhiều địa danh nổi tiếng, thu hút du khách thập phương như công viên chủ đề VinWonders Grand Park. Đây là điểm đến giải trí tuyệt vời với vô vàn trải nghiệm độc đáo. Công viên nước Hòn đảo nhiệt đới mang đến những giây phút phấn khích với đường trượt Thủy Quái Biển Khơi và Vịnh sóng thần cuồn cuộn, lý tưởng cho những ai yêu thích cảm giác mạnh. Khu vườn mộng mơ mở ra thế giới cổ tích đầy màu sắc với đu quay Vũ điệu mùa xuân, tàu lượn Cuộc phiêu lưu kỳ thú và Đĩa quay Khiên thần Achilles. Tại đây, du khách còn được hòa mình vào bầu không khí sôi động với các hoạt động hoạt náo, sự kiện và lễ hội hấp dẫn, mang lại trải nghiệm vui chơi không thể bỏ lỡ.