Đi du lịch Đà Nẵng vào tháng 4 âm lịch, nếu may mắn bạn có thể được chứng kiến lễ hội rước Mục Đồng đặc sắc của người dân bản địa. Lễ hội được tổ chức long trọng và vẫn gìn giữ được nguyên vẹn những nét văn hóa lâu đời, rất đáng để du khách trải nghiệm!
1. Lễ hội rước Mục Đồng được tổ chức khi nào? Ở đâu?
Theo thông tin từ những người lớn tuổi ở địa phương, lễ hội rước Mục Đồng ngày xưa được tổ chức tại làng Phong Lệ với tên gốc là Đà Ly. Sau này, Phong Lệ được tách ra làm hai làng là Phong Bắc và Phong Nam. Dù vậy, mỗi khi có lễ hội, người dân cả hai địa phương đều háo hức tập trung về tham dự.
Lễ hội này thường được tổ chức vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 âm lịch. Đây là thời gian bà con vừa xong vụ mùa, không khí chuẩn bị luôn rộn ràng, náo nhiệt. Trước đây, lễ rước Mục Đồng được tổ chức ba năm một lần, sau này dần dãn ra thành 6 năm và 12 năm.
Dưới sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, những năm gần đây lễ hội thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách thập phương. Nơi đây dần trở thành một trong những địa điểm du lịch Đà Nẵng nổi bật.
Bà con 17 họ tộc làng Phong Lệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục dựng lại nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Nếu là người yêu thích tìm hiểu nét đẹp văn hóa mà vẫn chưa biết Đà Nẵng có gì chơi, bạn có thể xem thêm thông tin về lễ hội này.
>>> Gợi ý xem thêm: Ngũ Hành Sơn – danh thắng Đà Nẵng đẹp nổi tiếng có gì hấp dẫn?
2. Nguồn gốc & ý nghĩa của lễ hội rước Mục Đồng
Theo những câu chuyện truyền miệng từ người dân, ngày xưa làng Phong Lệ có một cồn cỏ giữa cánh đồng. Bỗng một hôm, người dân đi chăn vịt thì thấy đàn vịt của mình bị dính chặt chân xuống đất như có một bàn tay vô hình níu lại. Dân làng cho rằng đây là nơi thần linh cư ngụ và đặt tên địa danh này là Cồn Thần, không ai dám bén mảng đến đây nữa.
Không lâu sau đó, có một đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn. Đám trẻ chăn trâu vào cồn tìm nhưng cả người và trâu đều an toàn, không gặp phải bất trắc gì. Từ đó, nổi lên lời đồn cho rằng Cồn Thần chỉ dành cho trẻ em đến chơi. Nơi đây trở thành địa điểm tụ tập của trẻ con trong làng mỗi khi đi chăn trâu.
Qua thời gian, xóm Cồn sau này được gọi là xóm Đồng. Dân làng cũng dần tổ chức một lễ hội riêng dành cho các trẻ em chăn trâu được gọi là lễ rước Mục Đồng với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là một trong những lễ hội ở Đà Nẵng vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.
>>> Tham khảo: Chùa Linh Ứng Đà Nẵng – “tam giác” tâm linh nổi tiếng có gì?
3. Các hoạt động đặc sắc tại lễ hội rước Mục Đồng Đà Nẵng
Ngày xưa, lễ hội rước Mục Đồng thường được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài 3 ngày 3 đêm. Dân làng chuẩn bị kỹ lưỡng để tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp với nhiều tiết mục đặc sắc.
3.1 Hoạt động chuẩn bị cho lễ rước Mục Đồng
Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân thường tụ tập để chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo đầy đủ nghi thức theo phong tục truyền thống. 17 họ tộc trong làng sẽ làm các loại cờ nhỏ và cờ cán lớn, cán được làm bằng tre có khi dài đến 5m. Cờ lớn chủ yếu được dùng để treo vật biểu tượng cho tứ linh lân, long, quy, phụng và tứ nghệ bao gồm sĩ, nông, công, thương.
Ngoài ra, dân làng còn chuẩn bị các vật dụng mang tính biểu tượng của nghề nông như cày, bừa, gàu sòng, dừng, nia, cuốc… Mỗi họ tộc sẽ thể hiện sức sáng tạo của mình thông qua những bức tượng gỗ được đục, đẽo công phu. Vì phải mang trên mình rất nhiều thứ nên cây “đại kỳ” thường khá nặng. Người dân phải chọn ra ba thanh niên lực điền khỏe mạnh mới đủ sức để mang vác.
3.2 Lễ dạo đồng
Ngày đầu tiên, người dân sẽ tổ chức lễ dạo đồng. Đây là thời điểm những người con tha hương tập trung về đầy đủ nhất. Mục Đồng có trách nhiệm cầm cờ dạo quanh cánh đồng và thể hiện ước nguyện một năm mùa màng bội thu.
3.3 Lễ rước Thần Nông về đình
Ngày thứ hai là thời điểm chính thức làm lễ rước Thần Nông về đình. Tiếng trống làng vang lên rộn ràng, thúc giục người dân về đây dự lễ.
Kiệu được rước từ Cồn Thần về đình làng Phong Lệ, đây là loại kiệu 4 mái được trang trí long trọng. Trên mái có gắn bốn giao lá, rèm kiệu được giăng hoa kết đèn rực rỡ mà không kém phần uy nghiêm. Bốn Mục Đồng khiêng kiệu cũng được lựa chọn có chiều cao tương đương, ngoại hình vạm vỡ.
Đoàn cờ Mục Đồng dẫn đầu đám rước, theo sau là cờ của 17 tộc họ trong làng. Tiếng cổ nhạc và chiêng trống khiến cho lễ hội thêm náo nhiệt. Các hộ gia đình có nuôi trâu trong làng cũng sắm sửa lễ thường bao gồm hoa quả, mâm xôi, gà vịt hoặc đầu heo cho người đội lên đầu đi theo đám rước.
Đoàn rước lễ sẽ lần lượt đi qua những cánh đồng và bầy trâu trong làng. Thỉnh thoảng, đoàn cũng sẽ dừng lại để cổ vũ cho các trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức ở các đám cỏ ven đường. Khi khiêng kiệu về đến đình làng, người dân sẽ bắt đầu nghi thức cúng tế.
Dân làng tập trung và ổn định ngay ngắn trong sân đình, người chủ trì và cai quản các Mục Đồng bắt đầu khấn vái bài vị của Thần Nông và đặt vào trong kiệu. Bàn thờ trong 3 gian đình được bày vô số lễ vật cúng tế. Các chức sắc trong làng cũng đứng nghiêm chỉnh thành hai hàng để làm lễ. Sau khi tế lễ, dân làng sẽ tập trung ăn cỗ, các Mục Đồng cũng được mời vào ăn chung với chức sắc trong làng.
3.4 Các trò chơi hấp dẫn tại lễ hội rước Mục Đồng
Ngày thứ ba của lễ hội Mục Đồng, người ta thường tổ chức hát tuồng và hát Mục Đồng. Dưới thanh âm náo nhiệt của các loại nhạc cụ, kết hợp cùng màu sắc trang trí bắt mắt, ánh đuốc bập bùng tạo nên khung cảnh đẹp đẽ.
Song song với các nghi thức làm lễ, trong làng cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Tiêu biểu nhất có thể kể đến hội thi kéo co, nhảy dây, rồng rắn lên mây… Đây là dịp để bà con nghỉ ngơi, quây quần sau những giờ lao động mệt mỏi. Khi lễ hội kết thúc, mọi người lại quay về với nhịp sống hối hả hằng ngày.
Du khách khi đến Đà Nẵng có thể kết hợp lịch trình tham quan nhiều địa điểm gần đó như thánh địa Mỹ Sơn, Chùa Cầu, phố cổ Hội An… Đặc biệt, công viên giải trí VinWonders Nam Hội An cũng là một đề cử hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều không gian văn hóa đặc sắc của địa phương. Hình ảnh các làng nghề, lễ hội và trò chơi dân gian được phục dựng tại đây mang đến những cảm xúc khó quên.
Ngoài ra, du khách yêu mạo hiểm đến VinWonders Nam Hội An cũng có thể trải nghiệm cảm giác mạnh với nhiều trò chơi hiện đại cũng không kém phần thu hút. Bạn sẽ được tha hồ check-in tại phố cổ ven sông hay tham quan các loài thú hoang dã ở River Safari. Hơn 100 trò chơi trong nhà và 20 trò chơi cảm giác mạnh ngoài trời hấp dẫn đang chờ bạn khám phá!
Đặt ngay vé VinWonders Nam Hội An
Lễ hội rước Mục Đồng Đà Nẵng mang đậm màu sắc văn hóa của miền quê dân dã, bình dị. Tuy nhiên, hầu hết du khách sẽ rất khó có dịp tham dự, vì ngày nay, phải đợi rất nhiều năm lễ mới được tổ chức một lần. Tuy nhiên, nếu không đi đúng dịp bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về không gian văn hóa địa phương tại VinWonders Nam Hội An với đầy đủ các hoạt động đặc sắc, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng!