Turn your device in landscape mode.
Đặt vé VinWonders
Chọn điểm đến

Chọn ngày
Người lớn
*cao từ 140cm
*cao từ 140cm
Trẻ em
*80-140cm
*cao từ 100cm-140cm *cao từ 80cm-140cm
Người cao tuổi
*từ 60 tuổi
*từ 60 tuổi
Tu viện Khánh An

Tu viện Khánh An (chùa Khánh An) – chốn an yên giữa Sài thành

22/11/2024 884 views
5/5 - (1 vote)

Tu viện Khánh An hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Khánh An. Đây không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh thu hút tín đồ Phật tử mà còn là tọa độ sống ảo của nhiều bạn trẻ. Tu viện sở hữu kiến trúc độc đáo, đẹp tựa như những ngôi chùa xứ Phù Tang.

Chùa Khánh An là địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách

Chùa Khánh An là địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách (Ảnh: Sưu tầm)

Du lịch Sài Gòn, nếu bạn muốn tìm một chốn an yên giữa lòng phố thị tấp nập thì hãy ghé đến Tu viện Khánh An. Với không gian xanh mát cùng lối kiến trúc độc đáo, nơi đây trở thành địa điểm du lịch tâm linh hút khách. Đến chùa Khánh An, ngoài việc tham quan, chiêm bái, du khách còn có thể thỏa thích check in sống ảo.

1. Giới thiệu về Tu viện Khánh An

  • Địa chỉ: 1055/3D, Quốc lộ I, Phường An Phú Đông, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại liên hệ: 028.37197199, 028.37196279

Tu viện Khánh An hay chùa Khánh An tọa lạc trên khu đất có diện tích hơn 6.000m2. Chùa thuộc địa phận phường An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố.

Sở hữu kiến trúc ấn tượng, chùa Khánh An không chỉ là nơi chiêm bái, lễ Phật mà còn là địa điểm check in của nhiều du khách. Tu viện cũng là nơi thường xuyên tổ chức các khóa thiền, tu và nhận được sự quan tâm của đông đảo Phật tử, chư tăng từ khắp mọi miền.

Chùa Khánh An là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố

Chùa Khánh An là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố (Ảnh: Sưu tầm)

Xem thêm: TOP 25 ngôi chùa ở Sài Gòn khách hàng hương không nên bỏ qua

1.1. Cách đi đến Tu viện Khánh An Quận 12

Tu viện Khánh An ở đâu? Ngôi chùa này tọa lạc ở trung tâm quận 12, đường đi lại thuận tiện. Do đó du khách có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau như taxi, xe buýt hoặc phương tiện cá nhân.

Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể lựa chọn một trong các tuyến buýt đi qua chùa Khánh An dưới đây:

  • Tuyến buýt 61-8: Bến xe Miền Tây – Khu Du lịch Đại Nam.
  • Tuyến buýt 61-3: Bến xe An Sương – Bến xe Thủ Dầu Một.
  • Tuyến buýt 60-1: Bến xe Miền Tây – Bến xe Biên Hòa.
  • Tuyến buýt 33: Bến xe An Sương – Suối Tiên – Đại học Quốc Gia

Nếu muốn chủ động hơn trong chuyến hành trình, bạn có thể lựa chọn đi xe máy hoặc ô tô tự lái. Dưới đây là hướng dẫn lộ trình di chuyển đến Tu viện Khánh An Quận 12 mà bạn có thể tham khảo:

  • Lộ trình 1: Từ hướng Ngã sáu Gò Vấp – đường Nguyễn Oanh – cầu An Lộc – đường Hà Huy Giáp – cầu vượt Ngã tư ga – Quốc lộ 1A – ngã tư Quốc lộ 1A và đường Võ Thị Thừa – chùa Khánh An.
  • Lộ trình 2: Từ ngã tư An Sương – Quốc lộ 1A – cầu vượt Ngã tư ga – ngã tư Quốc Lộ 1A và đường Võ Thị Thừa. Từ đây, bạn chỉ cần chạy xe thêm một đoạn ngắn, sau đó nhìn ở phía bên tay trái sẽ thấy Tu viện Khánh An.
  • Lộ trình 3: Từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – cầu Bình Triệu – Quốc lộ 13 – vòng xoay cầu Bình Lợi – ngã tư Bình Phước – Quốc lộ 1A – cầu Bình Phước – ngã tư Quốc lộ 1A và đường Võ Thị Thừa – Tu viện Khánh An.

1.2. Chùa Khánh An – nơi ghi dấu lịch sử của dân tộc

Tu viện Khánh An là di tích lịch sử nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Sài Gòn. Ngôi chùa này cũng được xem là chứng nhân lịch sử, nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc. Hãy cùng ngược dòng lịch sử để hiểu rõ hơn về những dấu ấn đặc biệt tại ngôi chùa này!

  • Trước năm 1940: Chùa thuộc địa phận thôn An Lộc Đông, tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định.
  • Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX: Vùng Nam Kỳ có nhiều tổ chức bí mật chống thực dân Pháp và vùng An Lộc Đông có Thượng tọa Thích Trí Hiền cũng tham gia. Ông được ông Biện Lục tặng gần 4ha để xây dựng chùa Khánh An làm nơi tập hợp những người yêu nước chống Pháp.
  • Tháng 7 năm 1939: Chín đồng chí đảng viên Cộng sản đã họp tại chùa để bầu ra chi bộ đầu tiên của An Lộc Đông.
  • Năm 1940: Thôn An Lộc Đông và Hanh Phú được sát nhập thành An Phú Đông. Trong thời điểm này, Chi bộ đảng có khoảng hai mươi đảng viên. Phong trào cách mạng ở vùng cũng phát triển mạnh mẽ.
  • Từ tháng 10 năm 1940: Nhiều cuộc mitting được tổ chức ở đồng Giáp Trai, chùa Khánh An… để vạch rõ tội ác của thực dân Pháp, quan lại phong kiến, từ đó khơi dậy lòng căm thù giặc cho nhân dân.
  • Năm 1942: Do thương tích nặng vì bị thực dân Pháp tra tấn, Thầy Năm Phận qua đời. Sau khi Thầy trụ trì tạ thế, chùa vẫn tiếp tục trở thành cơ sở bí mật của phong trào cách mạng.
  • Tháng 3 năm 1945: Chùa Khánh An là nơi trú ẩn của đồng chí Mười Lụa sau khi ông vượt ngục trở về An Phú Đông. Từ đây ông đã liên lạc với đồng chí Phạm Văn Khái – Bí thư chi bộ xã Quới Xuân để củng cố lại Chi bộ An Phú Đông, chuẩn bị tham gia Cách mạng Tháng 8.
  • Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1947: Chùa Khánh An trở thành trường đào tạo cán bộ chỉ huy của Chi đội 6. Trong suốt 9 năm đấu tranh chống thực dân pháp, chùa là nơi Tiểu đội 17 Vệ quốc đoàn An phú Đông sản xuất các loại vũ khí thô sơ như: lựu đạn, mìn ve chai, súng mút…
  • Năm 1980: Chùa Khánh An được tu sửa do bị hư hại trong chiến tranh. Người dân địa phương đã đóng góp cát, gạch, đá và ngói để xây dựng lại chùa.
  • Năm 2001: Chùa được trùng tu lớn và xây dựng lại trên mộ pháp Thầy Năm Phận và đổi tên thành Tu viện Khánh An.
Chùa Khánh An là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng

Chùa Khánh An là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng (Ảnh: Sưu tầm)

Với vai trò là cơ sở cách mạng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngày 27 tháng 7 năm 2007, chùa đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố.

1.3. Các đời trụ trì Tu viện Khánh An

Theo viện chủ Tu viện Khánh An – Thượng tọa Thích Trí Chơn, chùa được tổ Trí Hiền sáng lập vào năm 1905. Vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, tổ Trí Hiền đã lập ra am tranh nhỏ để tu niệm. Vào năm 1942, tổ Trí Hiền viên tịch.

Giai đoạn từ năm 1942 đến 1981, Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa, Hòa thượng Thích Hồng Lạc là các viện chủ tiếp theo. Đến năm 1998, Thượng tọa Thích Trí Chơn kế thừa làm viện chủ đời thứ 4 và cho đến ngày nay.

Tiểu sử thầy Thích Trí Chơn tu viện Khánh An tên khai sinh là Trần Quang Luận. Thầy sinh năm 1963 tại tỉnh Gia Lai. Ngoài là trụ trì Tu viện Khánh An, hiện thầy còn là trụ trì của nhiều ngôi chùa lớn ở nước ngoài như: chùa Giác Đạo (Cộng hòa Séc), chùa Nhân Hòa (Cộng hòa Ba Lan), chùa Pháp Hoa (Cộng hòa Liên Bang Đức). Đồng thời, thầy cũng là Hội đồng Trị sự, Phó ban Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP. Hồ Chí Minh. Thầy Thích Trí Chơn còn đảm nhận vai trò dạy bộ môn nghệ thuật dẫn chương trình tại Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Thích Trí Chơn tu viện Khánh An

Thầy Thích Trí Chơn tu viện Khánh An (Ảnh: Sưu tầm)

2. Kiến trúc độc nhất của Tu viện Khánh An Sài Gòn

Có thể nói rằng, Tu viện Khánh An là một trong số ít các ngôi chùa ở Sài Gòn sở hữu kiến trúc độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, check in. Nhìn từ xa, chùa nổi bật với gam màu đỏ bắt mắt cùng kiến trúc ấn tượng. Chẳng thế mà ngôi chùa này được du khách ưu ái dành tặng nhiều cái tên mỹ miều như: ngôi chùa mang phong cách xứ Phù Tang hay “Nhật Bản” thu nhỏ giữa đất Sài Gòn.

Không ít người vẫn lầm tưởng rằng, chùa được xây dựng theo lối kiến trúc của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, thật ra Tu viện Khánh An được thiết kế hoàn toàn theo phong cách chùa chiền cổ xưa của người Việt, mang lối kiến trúc của Phật giáo Bắc Tông.

Ngoài ra, các gam màu của chùa như: màu đỏ, màu trắng, màu xám… cũng vô cùng quen thuộc với người Việt. Khác với nhiều ngôi chùa khác ở phương Nam, tu viện Khánh An không có các hoạt tiết trang trí sặc sỡ hanh hình phượng, hình rồng, bởi đây là nét văn hóa cung đình Việt.

Chùa Khánh An mang kiến trúc Phật giáo Bắc Tông

Chùa Khánh An mang kiến trúc Phật giáo Bắc Tông (Ảnh: Sưu tầm)

2.1. Chánh điện

Chánh điện của Tu viện được đặt tên là “Phật đường tỉnh thức” với kết cấu chính là gỗ. Đây là nơi tọa thiền, tụng kinh của các Phật tử, chư tăng. Các bậc thang dẫn lên chánh điện được làm bằng đá và chạm trổ hoa văn hình hoa sen vô cùng tinh xảo.

Điểm nhấn của chánh điện Tu viện Khánh An chính là phần mái ngói màu nâu trầm, được xếp lớp kết hợp với các đèn lồng trang trí. Xung quanh được tô điểm bởi những cột đèn lục giác độc đáo cùng nhiều loại cây cối tươi xanh.

Chánh điện của Tu viện Khánh An

Chánh điện của Tu viện Khánh An (Ảnh: Sưu tầm)

2.2. Nhà tăng và khách đường

Nhà tăng và khách đường của Tu viện Khánh An được bố trí cạnh chánh điện với gam màu đỏ vô cùng nổi bật. Phần chóp tháp màu vàng cao vút trên nền trời xanh. Công trình này khiến nhiều người liên tưởng tới những ngôi chùa, đền ở xứ sở hoa anh đào. Bởi kết cấu bằng gỗ cùng đường sắc thái màu đỏ thường thấy trong kiến trúc của Nhật Bản.

Nhà tăng và khách đường với gam màu đỏ nổi bật

Nhà tăng và khách đường với gam màu đỏ nổi bật (Ảnh: Sưu tầm)

2.3. Khuôn viên rộng, xanh mát

Tu viện Khánh An có khuôn viên rộng với nhiều cây xanh lớn nhỏ, do đó đặt chân đến đây, bạn sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành. Nét đẹp yên bình của không gian chùa Khánh An cũng là một trong những lý do khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng thu hút nhiều bạn trẻ.

Đặt chân đến Tu viện Khánh An, mọi huyên náo, ồn ào của chốn thị thành gần như được tan biến, thay vào đó là sự bình yên, thanh tịnh. Giữa Sài Gòn hoa lệ, thật khó để tìm thấy một không gian thanh bình với khuôn viên xanh mát và kiến trúc độc đáo đến vậy!

Khuôn viên xanh mát tại chùa Khánh An

Khuôn viên xanh mát tại chùa Khánh An (Ảnh: Sưu tầm)

3. Những trải nghiệm khi ghé thăm chùa Khánh An

Du lịch Sài Gòn 1 ngày nếu bạn chưa biết đi đâu thì ghé ngay Tu viện Khánh An để trải nghiệm những hoạt động thú vị dưới đây!

  • Viếng Phật và tham quan kiến trúc chùa: Đến chùa Khánh An du khách sẽ được thắp hương, chiêm bái và chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của chùa. Đắm chìm trong không gian nhẹ nhàng, yên bình tại đây sẽ khiến tâm hồn bạn thanh tịnh, an yên hơn.
  • Check in với background “sang – xịn – mịn”: Tu viện Khánh An sở hữu nhiều góc chụp lý tưởng, do đó nhiều nơi đây trở thành tọa độ sống ảo được nhiều bạn trẻ vô cùng yêu thích. Tu viện có phần mái ngói đỏ vẩy đuôi cong vút cùng khuôn viên rợp bóng hoa lá tạo nên background cực đẹp. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên tạo dáng bên những chiếc đèn lồng hay cột đèn lục giác bằng gỗ nằm rải rác khắp tu viện.
  • Tham gia vào các khóa tu: Những khóa tu tại Tu viện Khánh An sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và có thêm các kinh nghiệm quý báu.
Chùa có nhiều góc chụp hình siêu xinh

Chùa có nhiều góc chụp hình siêu xinh (Ảnh: Sưu tầm)

Bỏ túi: Địa điểm du lịch Sài Gòn: 30 tọa độ gây sốt giới xê dịch

4. Các hoạt động tiêu biểu tại Tu viện Khánh An Q12

Chùa Khánh An Sài Gòn là nơi thường xuyên tổ chức các khóa tu, thiền, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo Phật tử, chư tăng. “Có mặt nhau” và “Sống thức tỉnh” là những khóa tu nổi bật tại chùa. Mỗi khóa tu, thiền được tổ chức tại đây đều thu hút hàng trăm chư tăng, hành giả, Phật tử tham gia.

Ngoài ra, Tu viện Khánh An cũng là nơi tổ chức các buổi chia sẻ, giao lưu về kiến thức, kinh nghiệm sống quý báu từ thầy Trụ trì Thích Trí Chơn cùng các giảng sư khác. Đặc biệt, chùa cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bạn trẻ hoặc những người trung niên bị trầm cảm hoặc sang chấn tâm lý khi gặp áp lực trong cuộc sống cũng tìm đến chùa để chia sẻ và nhận được những lời khuyên hữu ích.

Chùa là nơi diễn ra nhiều khóa thiền, thu

Chùa là nơi diễn ra nhiều khóa thiền, thu (Ảnh: Sưu tầm)

5. Một số lưu ý khi tham quan chùa Khánh An

Mặc dù là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng, tuy nhiên Tu viện Khánh An cũng là một nơi trang nghiêm, là nơi tu tập của các Phật tử, chư tăng. Do đó khi đến đây bạn cần lưu ý một số vấn đề sau!

  • Nếu muốn cảm nhận vẻ đẹp thanh bình của chùa và thỏa thích check in thì bạn nên đến đây vào những ngày đầu tuần hoặc giữa tuần. Tránh đến chùa vào ngày Lễ, Tết hoặc rằm vì lượng khách viếng thăm, hành hương tại Tu viện Khánh An thời gian này rất đông.
  •  Mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh ăn mặc hở hang, phản cảm sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh trang nghiêm của chùa.
  • Đọc kỹ các quy định của chùa cũng như các biển hướng dẫn để tuân thủ đúng các nguyên tắc tại chùa.
  • Giữ gìn trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, không đùa giỡn, nói chuyện lớn tiếng để tránh ảnh hưởng đến việc tu tập của các chư tăng, Phật tử.
  • Có ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong khuôn viên Tu viện Khánh An, vứt rác đúng nơi quy định.
  • Không tự ý đụng chạm vào các đồ vật trong chánh điện cũng như các gian nhà khác.
Khi đến chùa, du khách phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung

Khi đến chùa, du khách phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung (Ảnh: Sưu tầm)

Tu viện Khánh An được xem là nét chấm phá độc đáo trong bức tranh phố thị Sài Gòn hoa lệ. Chẳng ai có thể ngờ rằng, ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp lại có một ngôi chùa yên bình và thơ mộng đến thế! Nếu có dịp đến Sài Gòn, bạn đừng bỏ qua cơ hội tham quan chùa Khánh An để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị!

Nếu là người yêu thích khám phá, sau Tu viện Khánh An, bạn cũng đừng quên viết tiếp hành trình vi vu Sài Gòn của mình tại tâm điểm giải trí và lễ hội mới – Công Viên Grand Park.

Bước vào công viên nước Hòn đảo nhiệt đới, bạn sẽ được thử thách với “Cú rơi siêu tốc” đầy kịch tính từ độ cao 13m, hay trải qua cảm giác xoáy trong “Thần long cuộn sóng” dài 119m. Bể sóng “Vịnh sóng thần” sẽ đưa bạn vào thế giới biển cả sôi động, trong khi trẻ em sẽ mê mẩn với Ốc đảo diệu kỳ – nơi có 9 đường trượt đầy sắc màu.

Khu vườn mộng mơ là nơi biến những giấc mơ cổ tích thành hiện thực, với đu quay dây văng “Vũ điệu mùa xuân”, ngựa gỗ “Dạ tiệc cổ tích” và chuyến tàu phiêu lưu thú vị. Những ai yêu thích cảm giác mạnh sẽ không thể bỏ qua “Cuộc phiêu lưu kỳ thú” hay “Đĩa quay siêu tốc – Khiên thần Achilles”. Cùng hơn 20 trò chơi có thưởng, nơi đây luôn sẵn sàng mang đến những khoảnh khắc bất ngờ và niềm vui ngập tràn.

 

ĐẶT NGAY VÉ CÔNG VIÊN GRAND PARK

 

Chia sẻ tin qua:
  • Copy to clipboard

Bài viết liên quan

Tìm vé
Đặt vé