Turn your device in landscape mode.
logo
27 oC
Thứ năm
25/04/2024
27oC
Thứ sáu
26/04/2024
30oC
Thứ bảy
27/04/2024
30oC
Chủ nhật
28/04/2024
31oC
Thứ hai
29/04/2024
30oC
VinWonders Nha Trang
3
Chùa Láng

Chùa Láng – cổ tự “Tiền Phật Hậu Thánh” giữa Hà thành phồn hoa

27/04/2023 529 views

Trải qua 900 năm tồn tại, nhiều biến động và nhiều lần trùng tu, chùa Láng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, rêu phong. Giữa phố phường Hà thành nhộn nhịp, chùa Láng vẫn bình yên, tĩnh lặng, mang đến cảm giác an yên cho tâm hồn.

Đệ nhất tùng lâm

Đệ nhất tùng lâm (Ảnh: sưu tầm)

Không chỉ là nơi dâng hương lễ Phật, chùa Láng còn là nơi Phật tử kiếm tìm sự an yên sau những áp lực của cuộc sống. Quả là một thiếu sót nếu tìm hiểu về chùa Hà Nội mà không nhắc đến “đệ nhất tùng lâm” của thành Thăng Long xưa. Cùng VinWonders khám phá những gì có trong chùa Láng nhé!

1. Giới thiệu về Chùa Láng

Chùa Láng là một điểm đến tâm linh, điểm tựa tinh thần quan trọng với người dân Hà Nội. Tuy nhiên, với du khách, “Chùa Láng ở đâu?” chắc chắn là một thắc mắc thường gặp. Dưới đây, VinWonders sẽ giới thiệu về chùa Láng cho bạn tham khảo:

  • Địa chỉ: 112 phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 08h30 – 20h00 hàng ngày

Chùa Láng tọa lạc trên con phố cùng tên – phố Chùa Láng – một trong những con phố nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất Hà thành. Giữa lòng Thủ đô phồn hoa như vậy, chùa Láng vẫn giữ nguyên dáng vẻ rêu phong, trầm mặc. Nằm tĩnh lặng một góc của con phố, chùa Láng như tách biệt hẳn khỏi khói bụi, ồn ào của thành thị, trở thành nơi nhiều người đến để tìm kiếm sự an yên.

Chùa Láng tĩnh lặng trên con phố nhộn nhịp

Chùa Láng tĩnh lặng trên con phố nhộn nhịp (Ảnh: sưu tầm)

Chùa Láng cách trung tâm Thủ đô khoảng 5km. Du khách có thể kết hợp tham quan chùa Láng cùng một số điểm tham quan gần đó như gò Đống Đa, chùa Phổ Giác…

Chùa Láng Đống Đa Hà Nội còn được gọi là Chiêu Thiền tự. Đất xây dựng chùa khi xưa là nhà cũ của cha mẹ Thiền sư Đạo Hạnh, là nơi đất phúc, có nhiều điều tốt hiển hiện nên chùa được gọi là “Chiêu”. Nhà cũ của cha mẹ Thiền sư cũng là nơi Thiền sư Đại Thánh được sinh ra, nên ghép vào được tên “Chiêu Thiền tự”.

Là nơi có rừng thông đẹp nhất phía Tây kinh thành Thăng Long, chùa Láng được mệnh danh là “Đệ nhất từng lâm”. Trải qua nhiều đợt tu sửa, chùa vẫn giữ được kiến trúc bề thế và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá.

>>> Dắt túi: Khám phá Hà Nội 1 ngày với 17 điểm du lịch hot nhất 2024   

2. Lịch sử chùa

Chùa Láng là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời và quan trọng nhất ở Hà Nội. Theo những ghi chép trên văn bia Tạo Lệ, chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông vào thế kỷ 12 để thờ vua cha Lý Thần Tông và Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Theo truyền thuyết, Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã đầu thai làm con trai của Sùng Hiền hầu, em của vua Lý Nhân Tông. Vua Lý Nhân Tông không có con nên đã chọn con trai của Sùng Hiền hầu để nối ngôi, trở thành vua Lý Thần Tông.

Sau đó, con trai của vua Lý Thần Tông là vua Lý Anh Tông đã cho xây dựng chùa Chiêu Thiền để thờ cúng vua cha và Thiền sư Từ Đạo Hạnh – tiền thân của ông.

Trong lịch sử chùa Láng hơn 900 năm tồn tại, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, đặc biệt là vào các năm 1656, 1901 và 1989. Tuy nhiên, dù có trải qua bao thăng trầm, chùa Láng vẫn là một điểm đến tâm linh quan trọng và thu hút đông đảo du khách và phật tử đến thăm và dâng hương. Hiện nay, chùa Láng vẫn được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính và đẹp nhất tại Hà Nội.

>>> Tìm hiểu thêm: Chùa Bộc – ngôi chùa cổ, linh thiêng nhất Hà Nội

3. Kiến trúc độc đáo của Chùa Láng

Xưa là đệ nhất tùng lâm của mảnh đất kinh kỳ, chùa Láng ngày nay vẫn mang dáng vẻ bề thế với quần thể kiến trúc hài hòa và cân xứng với không gian xung quanh. Không gian chùa rộng rãi, yên tĩnh, được bao phủ bởi màu xanh của bóng cây cổ thụ.

Trước đây, kiến trúc chùa Láng được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với 100 gian. Quần thể kiến trúc được xây dựng trên một trục chính đạo. Đầu tiên, du khách phải đi qua ba lớp cổng đến nhà Bát Giác. Kiến trúc chính của chùa bắt đầu từ tòa Tiền Đường, Trung Đường và Thượng Điện. Phía sau Thượng Điện là nhà Tổ.

3.1. Cổng Tam Quan

Cổng tam quan là một trong những kiến trúc đầu tiên mà du khách thấy khi đến thăm chùa, với bốn cột vuông và ba mái vòm gắn lưng chừng vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Đây là kiểu kiến trúc được cho là có tính chất nghi môn của cung vua thời Lê Trung Hưng (1533-1789).  Giữa cổng được trang trí bằng câu đối viết theo kiểu Khải thư ghép bằng những mảnh sứ màu xanh rất đẹp, đề 4 chữ “Thiền Thiên Khải Thánh”.

Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan (Ảnh: sưu tầm)

Sau khi bước qua cổng Tam Quan, du khách sẽ tới khoảng sân được lát gạch Bát Tràng và giữa sân có sập đá, nơi đặt kiệu thánh những ngày khai hội chùa Láng.

Tam Quan Nội nằm phía sau cột đá, là một nếp nhà ngang 3 gian, ở giữa là 2 hàng gạch chống 4 lớp mái song song xếp theo kiểu mái chồng. Chính giữa bờ nóc đắp mặt trời lửa, phía dưới mở 3 cửa ra vào. Bộ khung kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng.

Từ Tam Quan Nội, du khách sẽ đi qua con đường đến chính điện được lát gạch và hai bên là hàng muỗm cổ thụ rợp bóng tạo vẻ cổ kính và tĩnh mịch.

3.2. Nhà Bát giác

Điểm nhấn trong kiến trúc của chùa Láng có lẽ là nhà Bát Giác. Sau lớp cổng cuối cùng là sân rộng. Hai bên sân là hai dãy Dải Vũ, mỗi dãy 9 gian. Trước đây, giữa sân chùa có bệ đá dùng làm nơi đặt kiệu Thánh trước ngày hội. Qua tu sửa, người dân đã dựng một ngôi nhà bao quanh, gọi là nhà Bát Giác hoặc nhà Bảo Cái.

Nhà Bát Giác được xây bằng gạch cổ nung già. Mái nhà lợp kiểu mái chồng 2 tầng, 16 mái, lợp bằng ngói vẩy. Đỉnh nóc là 4 con phượng, bên trên là 8 con rồng cuộn, tượng trưng cho 8 đời vua Lý.

3.3. Tòa Tiền Đường

Tiền đường của Chùa Láng được xây dựng với quy mô rộng lớn, bao gồm 9 gian. Kiến trúc của tòa tiền đường có nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam với kiểu tường hồi bít đốc tay ngai và mái lợp ngói ta. Mái nhà được thiết kế theo kiểu chồng diêm 2 tầng với 4 mái và được đỡ bởi các bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”, hai mái hạ được làm kẻ cong dài. Trang trí của tiền đường khá phong phú và đa dạng với các đề tài hổ phù, rồng, long mã, chim phượng, tứ quý…

Kiến trúc tòa Tiền Đường

Kiến trúc tòa Tiền Đường (Ảnh: sưu tầm)

3.4. Tòa Trung Đường

Tòa Trung Đường chùa Láng là một công trình kiến trúc đáng chú ý nằm trong khuôn viên của chùa Láng. Với kích thước tương đương với tòa Tiền Đường, Trung Đường được nối liền với tòa Tiền Đường thông qua một Phương Đình nhỏ kiểu 4 mái đao cong, tạo nên một không gian rộng lớn và trang nhã. Nhìn từ xa, Trung Đường là một tòa nhà kiểu cổ điển với mái lợp ngói ta kiểu chồng diêm hai tầng 4 mái và tường được xây dựng theo phong cách tường hồi bít đốc tay ngai.

Về trang trí, Trung Đường giống với tòa Tiền Đường về phong cách và niên đại nghệ thuật. Tuy nhiên, gian giữa của Trung Đường lại có mảng chạm rồng phượng mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVIII, tạo nên một điểm nhấn đặc biệt cho công trình này. Sự kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc và trang trí mang tính lịch sử đã tạo nên một tòa nhà độc đáo và ấn tượng trong lòng khách thập phương khi đến tham quan chùa Láng.

3.5. Thượng Điện

Thượng Điện là một trong những công trình kiến trúc đặc biệt của Chùa Láng, tọa lạc ở vị trí đắc địa và đóng vai trò quan trọng trong cả khuôn viên chùa. Với nếp nhà ngang 3 gian, Thượng Điện được xây dựng song song với tòa Trung Đường, tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp và đồng đều.

Kiến trúc của Thượng Điện được thiết kế theo kiểu tường hồi bít đốc, bộ khung có kết cấu kiểu chồng rường, giúp cho công trình có độ bền và vững chắc hơn trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, phần trang trí tập trung chủ yếu trên các đầu dư được chạm đầu rồng, mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII.

Đầu rồng được chạm trên các đầu dư của Thượng Điện mang ý nghĩa tượng trưng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm và quyền lực. Các đầu dư đều được chạm khắc tỉ mỉ và độc đáo, thể hiện rõ ràng sự tinh tế và sự nghiêm túc của người thợ thủ công đã tạo ra công trình này.

Thượng Điện không chỉ là một tòa nhà có giá trị kiến trúc độc đáo, mà còn là nơi linh thiêng và quan trọng trong các hoạt động tôn giáo của Chùa Láng. Với một không gian rộng lớn, tòa Thượng Điện là nơi diễn ra nhiều hoạt động lớn của chùa, như lễ cầu an, lễ cúng dường, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ hội truyền thống và nhiều hoạt động khác.

Một góc yên bình trong chùa Láng

Một góc yên bình trong chùa Láng (Ảnh: sưu tầm)

3.6. Nhà Tổ

Chùa Láng là một trong những di tích kiến trúc tôn giáo nổi tiếng của Hà Nội, không chỉ bởi quy mô và độ tuổi của nó, mà còn bởi vẻ đẹp cổ kính và đậm chất văn hóa truyền thống. Phía sau tòa chính của chùa Láng là khu vực quan trọng gồm các công trình như Nhà Chuông, Nhà Khánh, khu nhà Tổ, dãy Tả – Hữu mạc, khu vườn tháp và giếng chùa.

Nhà Chuông và Nhà Khánh được thiết kế theo kiểu hai tầng 8 mái đao cong, là nơi treo chuông và khánh cổ, mang đậm nét cổ kính và tinh tế. Khu nhà Tổ có quy mô rộng, được xây dựng dựa trên kiểu chữ “nhị” với hai nếp nhà song song nhau, mỗi nếp có 7 gian. Nếp nhà ngoài là nơi thờ Tổ, nếp nhà bên trong thờ Mẫu. Hai bên nhà Tổ lại được xây dựng hai dãy Tả – Hữu mạc, mỗi bên có 5 gian. Dãy nhà bên phải được sử dụng để gửi hậu và đặt những tấm bia ghi tên họ của những người được cúng giỗ hậu. Dãy bên trái được sử dụng làm nơi ở của nhà sư trụ trì, mang tính chất tôn giáo và văn hóa truyền thống rất rõ nét.

Sau chùa, chếch về phía bên phải là khu vườn tháp, là nơi yên nghỉ của các vị sư đã viên tịch. Bên trái là giếng chùa, tạo nên một không gian yên bình và thanh tịnh cho di tích chùa Láng. Những công trình này không chỉ góp phần tô điểm cho di tích chùa Láng, mà còn là một phần không thể thiếu của lịch sử và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

>>> Lưu ngay: Bản đồ du lịch Hà Nội mới nhất 

4. Hệ thống hiện vật của chùa

Gần 1000 năm tồn tại, chùa Láng đã lưu giữ rất nhiều hiện vật, từ các pho tượng, hoành phi câu đối đến bia đá, phản ánh sự phát triển của di tích qua từng thời kỳ lịch sử. Trong ngôi chùa, có tổng số 198 pho tượng Phật lớn nhỏ được sắp xếp theo quy định của một ngôi chùa Việt cổ, bao gồm các bộ tượng đẹp và chau chuốt như Tam Thế Phật, Quan Âm Chuẩn Đề, An Nan, Ca Diếp, Tuyết Sơn, Cửu Long …

Ngoài những tượng Phật thần linh, tình cảm tôn kính và đền thờ còn được thể hiện rất rõ qua việc bảo tồn hệ thống di vật liên quan đến “Đức Thánh Láng” tại Chùa Láng. Điển hình như hai pho tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được làm bằng mây cuộn và phủ sơn thếp và tượng Lý Thần Tông bằng gỗ.

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh (Ảnh: sưu tầm)

5. Lễ hội ở Chùa Láng Hà Nội

Lễ hội chùa Láng được tổ chức vào mùng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, là ngày sinh của Thiền sư Đạo Hạnh. Lễ hội không chỉ để tưởng nhớ công ơn của Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông mà còn là một hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa di sản truyền thống của Việt Nam.

Hội Láng diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Từ Chùa Láng, đoàn rước kiệu đi qua nhiều điểm di tích trong hành trình để tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngoài ra, trong lễ hội còn có nghi thức “đấu thần” diễn ra tại chùa Thánh Tổ, nơi thờ Pháp sư Đại Điên. Đây là cuộc “đấu pháo” độc nhất vô nhị, mô phỏng lại trận đấu giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên với các tràng pháo thăng thiên kéo dài trong nửa tiếng đồng hồ từ đoàn rước hướng sang chùa Thánh Tổ và ngược lại.

Điểm đặc biệt của hội Láng là nghi thức “độ hà” – được thực hiện bằng việc trai đinh khiêng kiệu lội qua sông Tô Lịch chứ không đi trên cầu, hàm ý “con không đi trên đầu cha” để tưởng nhớ cụ thân Thiền sư Từ Đạo Hạnh bị người xấu sát hại và vứt xác xuống sông.

Sau rước kiệu là các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Chùa Láng nhộn nhịp trong những ngày lễ hội

Chùa Láng nhộn nhịp trong những ngày lễ hội (Ảnh: sưu tầm)

>>> Xem thêm: Lễ hội Gò Đống Đa và những hoạt động đặc sắc   

6. Tìm hiểu phố Chùa Láng – con phố sinh viên nhộn nhịp

Phố Chùa Láng là một trong những con phố sầm uất nhất của quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây thu hút đông đảo người dân đến mua sắm, ăn uống và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Phố Chùa Láng là:

  • Con phố của những trường đại học top đầu: Nhắc đến Chùa Láng, không thể không nhắc đến Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại Giao – những trường đại học hàng đầu Việt Nam, khiến con phố trở nên nhộn nhịp, tấp nập.
  • Thiên đường ẩm thực: Du khách sẽ phải tiếc nuối nếu đến Chùa Láng mà không khám phá các quán ăn Chùa Láng. Là một con phố sinh viên nên đồ ăn Chùa Láng rất đa dạng, giá hợp lý. Bánh tráng trộn, cơm gà, bún đậu, bún chả… có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, kể cả trong những con ngõ nhỏ.
  • Địa điểm tụ họp bạn bè: Chùa Láng là con phố có rất nhiều quán cafe. Quán cafe Chùa Láng với nhiều phong cách, không gian khác nhau, phù hợp với những buổi họp nhóm, gặp gỡ bạn bè.
  • Thiên đường mua sắm: Dọc con phố, không khó để tìm được một cửa hàng thời trang hay mỹ phẩm. Các cửa hàng đa dạng phong cách, phân khúc cho bạn tha hồ lựa chọn.
Chùa Láng là một thiên đường ẩm thực

Chùa Láng là một thiên đường ẩm thực (Ảnh: sưu tầm)

>>> Khám phá: 30 tọa độ du lịch Hà Nội hot nhất

7. Kinh nghiệm đi Chùa Láng

Dưới đây là một số kinh nghiệm đi chùa Láng để bạn có một trải nghiệm thú vị và trọn vẹn:

  • Nếu bạn muốn tránh đông đúc, hãy đến chùa vào các ngày trong tuần. Cuối tuần và các ngày lễ tết thường rất đông người tham quan.
  • Nên chuẩn bị giày dép thoải mái và dễ đi để có thể đi lại trong khuôn viên chùa một cách dễ dàng và thoải mái.
  • Nếu bạn muốn tham gia các hoạt động tại chùa Láng, nên tìm hiểu trước lịch hội và các nghi thức để có thể tham gia đúng thời điểm và tránh bị lỡ.
  • Khi vào khuôn viên chùa, hãy lịch sự và tôn trọng các nghi thức tôn giáo, không nên chụp ảnh hay làm ồn ào.
  • Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của chùa Láng, có thể tìm đến các hướng dẫn viên hoặc tham gia các tour du lịch tại địa phương.
  • Nếu bạn muốn thưởng thức ẩm thực địa phương, có thể ghé qua các quán ăn và quán cafe gần chùa Láng để thưởng thức đặc sản và trò chuyện với người địa phương.

Sau khi tham quan chùa Láng và một số điểm tâm linh khác, bạn có thể đến trải nghiệm khu vui chơi giải trí và giáo dục hướng nghiệp, thủy cung VinKE & Vinpearl Aquarium.

Nằm trong trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Times City, VinKE mang đến trải nghiệm độc đáo cho trẻ: vừa vận động thể chất, vừa phát triển tâm hồn và bồi dưỡng kiến thức. Bố mẹ hãy cùng các con vui chơi, xả stress với hàng trăm trò chơi tại Thế giới games và trải nghiệm mô hình nghề nghiệp thực tế tại Khu hướng nghiệp.

Trải nghiệm mô hình nghề nghiệp thực tế tại VinKE

Trải nghiệm mô hình nghề nghiệp thực tế tại VinKE

Vinpearl Aquarium là thủy cung có quy mô lớn lên đến hơn 30000 sinh vật biển. Khám phá sự kỳ diệu của thế giới đại dương giữa lòng Hà Nội là trải nghiệm thú vị mà thủy cung Times City mang lại cho gia đình bạn.

Chiêm ngưỡng thủy cung giữa lòng Thủ đô

Chiêm ngưỡng thủy cung giữa lòng Thủ đô

Đặt ngay vé VinKE & Vinpearl Aquarium

Chùa Láng không chỉ là một ngôi chùa lịch sử quan trọng của Hà Nội mà còn là một địa điểm du lịch, tâm linh và văn hóa hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Khi đến Chùa Láng, bạn không chỉ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của đất nước mà còn có thể tìm thấy sự yên bình và thư giãn trong không gian thanh tịnh của ngôi chùa. Chính vì vậy, hãy dành thời gian ghé thăm Chùa Láng và trải nghiệm những giá trị tinh thần và văn hóa đặc biệt mà nơi đây mang lại.

Tham khảo các ưu đãi VinWonders hot nhất

Chia sẻ tin qua:
  • Copy to clipboard

Bài viết liên quan

Tìm vé
Đặt vé