Turn your device in landscape mode.
logo
33 oC
Thứ năm
25/04/2024
33oC
Thứ sáu
26/04/2024
30oC
Thứ bảy
27/04/2024
30oC
Chủ nhật
28/04/2024
30oC
Thứ hai
29/04/2024
30oC
VinWonders Nha Trang
3
Chùa Một Cột

Chùa Một Cột – điểm đến văn hóa, tâm linh nổi tiếng bậc nhất Thủ đô

24/04/2023 2384 views

Chùa Một Cột là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng và hút khách nhất tại Hà Nội. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từ việc bị phá hủy đến được khôi phục và cải tạo nhiều lần, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp tuyệt vời và sức hấp dẫn đặc biệt. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về chùa Một Cột, giúp bạn biết thêm nhiều thông tin thú vị về ngôi chùa này.

Chùa Một Cột là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội

Chùa Một Cột là kiệt tác kiến trúc và là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội (Ảnh: sưu tầm)

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội, có một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo, đã làm say mê biết bao du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, đó chính là chùa Một Cột –  biểu tượng của thành phố ngàn năm văn hiến. Khám phá ngôi chùa Hà Nội này là hành trình không thể thiếu để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử đất nước.

1. Tìm hiểu về chùa Một Cột Hà Nội

Chùa Một Cột tiếng Anh là One Pillar pagoda. Chùa Một Cột cùng với chùa Trấn Quốcchùa Hương là những điểm đến linh thiêng bậc nhất Thủ đô Hà Nội. Với kiến trúc cổ kính tráng lệ, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử to lớn, ghé thăm chùa Một Cột sẽ giúp du khách có cơ hội hiểu sâu hơn về tín ngưỡng văn hóa Phật giáo Việt Nam. 

1.1. Chùa Một Cột xây dựng năm nào?

Chùa Một Cột ở Hà Nội được bắt đầu xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, thời kỳ vua Lý Thái Tông. Theo sự tích chùa Một Cột, trong một giấc mơ, vua Lý Thái Tông đã thấy Phật bà Quan Âm đang ngồi trên một đài sen tỏa sáng rực rỡ và mời vua lên ngự cùng. Sau khi tỉnh giấc, vua đã kể cho các quan thần nghe về giấc mơ của mình. Nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên xây dựng một ngôi chùa trên một trụ đá giống như trong giấc mơ, và làm tòa sen để Phật Bà có thể tọa trên đó.

Vào năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho trùng tu chùa và xây dựng thêm hai tháp lợp sứ trắng ở phía trước sân chùa. Sau đó, đến năm 1108, Nguyên Phi Ỷ Lan đã sai người đúc ra một chiếc chuông lớn có tên gọi là “Giác Thế Chung”, với mong muốn đánh thức trái tim của nhân loại. Có thể thấy rằng, thời kỳ của triều đại nhà Lý được xem là thời đại hoàng kim của đạo Phật trong lịch sử dân tộc.

Hình ảnh chùa Một Cột xưa với kiến trúc còn khá đơn giản

Hình ảnh chùa Một Cột xưa với kiến trúc còn khá đơn giản (Ảnh: sưu tầm)

Trong cuộc chiến chống Pháp, chùa Một Cột đã bị quân Pháp đặt bom phá hủy. Sau khi Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Thủ đô, đã tiến hành lập dự án trùng tu, xây dựng lại chùa Một Cột giống như kiến trúc ban đầu. Cho đến năm 1955, chùa Một Cột Hà Nội đã được tôn tạo lại và duy trì bảo tồn đến ngày nay. Bên cạnh chùa Một Cột còn một ngôi chùa khác có cổng tam quan cùng bức hoành phi tạc ba chữ “Diên Hựu Tự”.

Chùa Một Cột ngày nay sau khi đã trải qua nhiều đợt trùng tu

Chùa Một Cột ngày nay sau khi đã trải qua nhiều đợt trùng tu (Ảnh: sưu tầm)

1.2. Chùa Một Cột thờ ai?

Tương truyền, khi vua Lý Thái Tông đã cao tuổi nhưng không có con trai nối dõi, ông đã mơ thấy Đức Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, ôm trên tay một đứa bé trai và trao cho ông. Sau đó, hoàng hậu hạ sinh được một hoàng tử, mang lại tin vui cho cả triều đình. Như để tưởng nhớ khoảnh khắc đó và tri ân Đức Phật, vua đã cho xây dựng chùa Một Cột, bên trong thờ phụng Đức Phật Quan Âm.

Chùa Một Cột là nơi thờ phụng Đức Phật Quan Âm

Chùa Một Cột là nơi thờ phụng Đức Phật Quan Âm (Ảnh: sưu tầm)

1.3. Kỷ lục

Vào năm 1962, quần thể chùa Một Cột tại Thủ đô được công nhận là Di tích Lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia. Sau đó, tới năm 2012, chùa Một Cột tiếp tục được Tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh với danh hiệu “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”, trở thành biểu tượng tâm linh đầy tự hào của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. 

2. Giá trị tâm linh, văn hóa – lịch sử của chùa Một Cột

Chùa Một Cột được xem là biểu tượng văn hóa của Thăng Long trong suốt hàng ngàn năm qua, thu hút đông đảo du khách đến hành hương mỗi năm. Có thể thấy rằng, chùa Một Cột không chỉ đơn thuần là biểu tượng của Hà Nội, mà còn là biểu tượng của trí tuệ và triết lý nhân văn sâu sắc. Nơi đây ngoài đem đến cảm giác bình an, nhẹ nhõm, còn giúp du khách tìm thấy những chân thiện mỹ trong cuộc sống. 

Chùa Một Cột mang giá trị tâm linh, văn hóa - lịch sử to lớn

Chùa Một Cột mang giá trị tâm linh, văn hóa – lịch sử to lớn (Ảnh: sưu tầm)

Bên cạnh đó, tham quan chùa Một Cột, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh quan xung quanh, gắn liền với hình ảnh đậm chất lịch sử, như đưa ta trở về một thời quá khứ hào hùng để tưởng nhớ, biết ơn công lao to lớn của ông cha đã dành cả cuộc đời bảo vệ hòa bình dân tộc. Vì vậy, nếu muốn chuyến du lịch Hà Nội trở nên ý nghĩa và đặc biệt hơn, hành dành chút thời gian ghé qua chùa Một Cột và cảm nhận những giá trị sâu sắc mà ngôi chùa này mang lại. 

3. Chùa Một Cột ở đâu? Hướng dẫn đường đi đến chùa

Vào thời kỳ nhà Lý, chùa được xây dựng trên vùng đất của thôn Thanh Bảo, H. Quảng Đức, thuộc phía tây Hoàng thành Thăng Long. Hiện nay, chùa có vị trí tại quận Ba Đình, trong công viên ở phía sau phố Ông Ích Khiêm, gần Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có nhiều phương tiện để đến chùa Một Cột như xe máy, ô tô, dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ, xe buýt, trong đó:

  • Đối với xe buýt: bạn có thể bắt các tuyến số 09, 22, 33, 45, 50. Những tuyến này đều có điểm dừng ở số 15A Lê Hồng Phong, rất thuận tiện cho việc đến thăm Chùa Một Cột.
  • Đối với phương tiện cá nhân: bạn đi theo hướng Bắc để đến Bưu điện thành phố, sau đó chọn lối thứ nhất ở vòng xuyến đến đường Đinh Tiên Hoàng. Tiếp theo, rẽ trái tại DC Gallery để vào Hàng Gai, đi qua Hàng Bông đến Xôi Cấm và rẽ về Điện Biên Phủ. Di chuyển theo đường Điện Biên Phủ đến con đường cắt ngang Ông Ích Khiêm và Hùng Vương, đó chính là nơi bạn cần đến. 

Ngoài ra, còn có 3 tuyến đường khác để bạn tham khảo, cụ thể: 

  • Tuyến 1: Giảng Võ – Nguyễn Thái Học – Hùng Vương. 
  • Tuyến 2: Văn Cao – Thuỵ Khuê – Hùng Vương.
  • Tuyến 3: Tôn Đức Thắng – Chu Văn An – Điện Biên Phủ.

4. Giờ mở cửa và giá vé tham quan chùa Một Cột

Bởi vì nằm trong khu vực Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác, thời gian mở cửa của chùa cũng sẽ phụ thuộc vào hai địa điểm này. Theo đó, chùa sẽ mở cửa cho du khách từ 7:00 – 18:00 hàng ngày. Thời gian tham quan thông thường dao động từ 1 đến 3 giờ đồng hồ.

Du khách Việt Nam khi đến vãn cảnh, cúng bái hoặc tham dự lễ Phật tại chùa sẽ được miễn phí vé vào cửa. Tuy nhiên, du khách quốc tế sẽ phải trả 25.000 VNĐ/ người để tham quan chùa.

>>> Khám phá: Du lịch Hà Nội 1 ngày: 17 địa điểm tham quan, vui chơi hút khách nhất

5. Kiến trúc “một cột trụ” độc đáo của Liên Hoa Đài

Nằm trong danh sách địa điểm du lịch nổi tiếng Hà thành, bên cạnh những giá trị tâm linh, văn hóa, hình ảnh chùa Một Cột còn gây ấn tượng với du khách bởi thiết kế vô cùng độc đáo. Vậy thực chất kiến trúc chùa Một Cột có gì thú vị? Nội dung tiếp theo sau đây sẽ cho bạn câu trả lời. 

5.1. Cổng tam quan

Nếu có dịp du lịch chùa Một Cột, bạn không thể bỏ qua cổng tam quan – một công trình mới được mở rộng trong vài năm trở lại đây. Kiến trúc của cổng tương đồng với các ngôi đình, chùa truyền thống của người Việt, bao gồm 2 tầng và 3 lối đi. Cổng Tam quan mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện 3 cách nhìn trong Phật giáo, đó là: hữu quan, không quan và trung quan.

 Cổng tam quan

Cổng tam quan (Ảnh: sưu tầm)

5.2. Cột trụ kiên cố, vững chắc

Cột trụ của chùa Một Cột được dựng bằng 2 cột đá xếp chồng lên nhau, thành một khối trụ đứng cao khoảng 4 mét, chưa tính phần chìm ở bên dưới chân. Đường kính của cột đá có chiều rộng là 1.2 mét, tạo nên kết cấu “vững như bàn thạch” cho chùa.

Cột trụ góp phần tạo nên kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột

Cột trụ góp phần tạo nên kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột (Ảnh: sưu tầm)

5.3. Đài Liên Hoa

Đài Liên Hoa được xây dựng theo hình vuông với mỗi cạnh 3 mét và được bao quanh bởi hàng rào chắn. Để đỡ đài, người ta đã sử dụng hệ thống cột quân và dầm gỗ lớn, gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn. Các mối mộng được đục tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết. 

Bên trong đài bài trí lộng lẫy và sang trọng, có một án thờ, đặt trên đó là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Xung quanh có rất nhiều đồ thờ cúng như đôi lục bình gốm sứ, bộ ấm chén thờ, bình cắm hoa sen, lư hương bằng đồng. Ban thờ được sơn son thếp vàng kết hợp với nhiều họa tiết trang trí hình vân mây màu vàng đẹp mắt. Trên trần phía trong cùng có một tấm hoành phi nhỏ ghi ba chữ vàng “Liên Hoa Đài” trên nền sơn đỏ.

Ban thờ bên trong đài được sơn son thếp vàng rực rỡ

Ban thờ bên trong đài được sơn son thếp vàng rực rỡ (Ảnh: sưu tầm)

Hoa sen được xem là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Phật giáo, thể hiện những phẩm chất tốt đẹp như lòng nhân hậu, kiên trì, thuần khiết, không vướng bụi trần… Liên Hoa Đài được xây dựng theo hình tượng bông sen, được đặt trên trụ đá cao giữa lòng hồ Linh Chiểu. Hình ảnh thanh tao, thuần khiết và độc đáo này giúp mang lại cho du khách cảm giác yên bình và sự thanh tịnh trong tâm hồn. 

5.4. Mái chùa lợp bằng ngói vảy rồng

Mái của chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống, màu đỏ gạch phủ thêm lớp rêu phong nhuốm màu thời gian. Công đoạn ghép ngói ở góc xối rất khó, vì đây là vị trí tiếp giáp giữa bốn cạnh của mái chùa. Vì vậy, từ công đoạn đóng xối ghép các mối mộng đòi hỏi cần thực hiện cẩn thận, đảm bảo mọi thứ phải ăn khớp nhau, giúp việc lợp ngói sau này được thuận tiện hơn. 

Phần mái của chùa Một Cột

Phần mái của chùa Một Cột (Ảnh: sưu tầm)

Cấu trúc mái của chùa Một Cột bao gồm bốn mái cong đầu đao cao vút lên trời, được hỗ trợ bởi một hệ thống thanh bẩy. Trên đỉnh mái chùa được đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm, biểu tượng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa. Nét kiến trúc này mang đậm chất nhân văn trong kiến trúc nghệ thuật tâm linh của dân tộc.

5.5. Hồ Linh Chiểu

Khu vực hồ Linh Chiểu hiện lên đầy thơ mộng với tường hoa bao quanh, điểm xuyết thêm các họa tiết trang trí hình khối tuyệt đẹp. Ngoài hồ Linh Chiểu, nơi đây còn có một hồ lớn khác được gọi là hồ Bích Trì, nằm bên ngoài khuôn viên của chùa Diên Hựu, bên phải chùa Một Cột. Trước sân chùa Diên Hựu có một tháp đá tên là Bạch Tuynh, từ tháp đá này, bạn sẽ nhìn thấy cây cầu nhỏ dẫn lối để vào bên trong chùa Một Cột.

>>> Bật mí: TOP 30 địa điểm du lịch Hà Nội nội thành và ngoại thành HOT nhất

6. Những trải nghiệm hấp dẫn tại chùa Một Cột

Đến chùa Một Cột, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á với thiết kế mang dáng dấp của một đài sen, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần uy nghiêm.

Không chỉ là một địa điểm tham quan lịch sử và tôn giáo, chùa Một Cột còn là nơi để du khách có thể dâng hương, cầu nguyện với Quan Thế Âm Bồ Tát trong Đài Liên Hoa. Giữa không khí thanh tịnh của chùa, những giây phút tĩnh tâm sẽ giúp du khách tìm lại sự bình an và cảm nhận sức mạnh của tâm linh.

Du khách gần xa đến dâng hương và cầu nguyện tại chùa

Du khách gần xa đến dâng hương và cầu nguyện tại chùa (Ảnh: sưu tầm)

Đến chùa Một Cột, bạn cũng không nên bỏ qua hoạt động check-in tại những điểm đẹp nhất của chùa như cổng tam quan, khuôn viên chùa, bậc thang lên chính điện. Đặc biệt, nếu mặc áo dài và chụp ảnh tại đây, bạn sẽ có bộ ảnh để đời với phong cách truyền thống của người Việt.

Không gian đẹp cổ kính tại chùa Một Cột

Không gian đẹp cổ kính tại chùa Một Cột thích hợp để du khách check in lưu giữ những kỉ niệm đẹp (Ảnh: sưu tầm)

Một trong những điểm nhấn tại chùa Một Cột là cây bồ đề – món quà từ Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần Bác ghé thăm đất nước này. Bên dưới gốc cây có một tấm bia đá có ghi lại với nội dung: “Cây bồ đề này nguyên gốc ở cây bồ đề Đức Phật Thích Ca tu thành đạo tại Ấn Độ. Tháng 2/ 1858, Tổng thống Rajendra Prasad đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang thăm Ấn Độ”.

Cây bồ đề ở khổng lồ ở chùa Một Cột

Cây bồ đề ở khổng lồ ở chùa Một Cột (Ảnh: sưu tầm)

7. Kinh nghiệm tham quan Liên Hoa Đài

Khi tham quan chùa, du khách cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự khi ghé thăm chùa và tránh mặc quần hoặc váy trên đầu gối.
  • Chú ý biển báo để tránh vào các khu vực cấm.
  • Đi nhẹ nói khẽ, không chạm vào các hiện vật cổ trong khuôn viên chùa.
  • Giữ gìn cảnh quan và vệ sinh chung.
  • Tuân theo các quy định của chùa, không thực hiện những hành vi trái pháp luật hoặc mê tín dị đoan.
  • Trong khi thắp hương, hãy đặt hương đúng vị trí quy định và không nên thả tiền xuống hồ sen.
  • Tuân thủ thời gian gia lễ tạ của chùa để tránh ảnh hưởng đến lễ tế và sinh hoạt của cộng đồng tín đồ.
  • Kết hợp tham quan những địa điểm du lịch nổi tiếng gần chùa Một Cột như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội

Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên Hà Nội còn có một thiên đường vui chơi giải trí thú vị, nằm bên trong Times City, ở quận Hai Bà Trưng để bạn khám phá, đó là VinKE & Vinpearl Aquarium

Thủy cung Times City với diện tích gần 4.000m2, dung tích gần 3 triệu lít nước biển, là một trong những thủy cung lớn nhất tại Việt Nam. Đây là nơi nuôi dưỡng hơn 30.000 cá thể sinh vật biển đa dạng đến từ “năm châu bốn bể” cùng hàng loạt kỷ lục thú vị.

Thủy cung Times City sẽ dẫn bạn tới 3 phân khu để trải nghiệm đại dương huyền bí giữa lòng thành phố:

  • Khu cá nước ngọt: 

Khu vực này mô phỏng một cách sống động và chân thực khu rừng nhiệt đới ẩm, khiến du khách như đang lạc vào một không gian nhiệt đới huyền bí, với những loài cá nước ngọt có kích thước to lớn như cá hải tượng… hay các loài cá điển hình của sông Mekong như cá hô, cá đuối nước ngọt…

  • Khu hang động bò sát:

Ghé thăm hang động bò sát, du khách sẽ được tận mục sở thị những loài bò sát, sinh vật lưỡng cư quý hiếm như kỳ đà, rùa nước, trăn vàng… Ngoài ra, còn có cả những loài côn trùng đặc trưng của xứ sở nhiệt đới như nhện Hoa Hồng, Bọ cạp Hoàng đế… 

  • Khu cá nước mặn: 

Chắc hẳn du khách sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi ngay giữa trung tâm thành phố Hà Nội lại có thể được tận mắt ngắm nhìn những chú chim cánh cụt đáng yêu tinh nghịch trên ốc đảo nhân tạo. 

Ngoài ra, khu vực này còn thu hút du khách bởi những loài sinh vật độc đáo đến từ đại dương như cá mao tiên, cá mú nghệ… Tuy nhiên, điểm nhấn tại đây chính là khu bể lớn, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những con cá mập hung dữ và các loài cá đuối khổng lồ đang vùng vẫy giữa đại dương mênh mông ngay trên đỉnh đầu thông qua đường hầm mái vòm trong suốt dài tới 90m

Ngoài ra, bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức show diễn nàng tiên cá đặc sắc và tham gia các chương trình hấp dẫn chỉ có tại thủy cung Times City như chương trình cho cá ăn, tìm hiểu bữa ăn của loài rùa, làm quen với bò sát…

Ngắm nhìn những loài cá khổng lồ tại thủy cung Times City

Ngắm nhìn những loài cá khổng lồ bơi ngay trên đầu là trải nghiệm vô cùng độc đáo và thú vị tại thủy cung Times City

Với những gia đình đi cùng bé nhỏ, thì VinKE chính là điểm đến lý tưởng tiếp theo, hứa hẹn đem tới những khoảnh khắc vui chơi, thư giãn sảng khoái cho du khách. 

VinKE là mô hình giải trí kết hợp giáo dục toàn diện cho trẻ từ 5 – 12 tuổi. Sở hữu diện tích gần 4.000m2, nơi này được chia thành 2 khu:

  • Khu hướng nghiệp: 

Tập trung vào việc phát triển các trò chơi hướng nghiệp, với nhiều mô hình hấp dẫn như Sở cứu hỏa, Công an giao thông, Bệnh viện VinKE… Sau khi trực tiếp trải nghiệm 12 mô hình thực tế, các bé không chỉ có thể khám phá năng khiếu của bản thân, trở nên tự chủ hơn trong cuộc sống mà còn học được giá trị của lao động, cách giao tiếp và ứng xử trước các tình huống phát sinh trong cuộc sống thường ngày.

  • Thế giới Games: 

Là khu vực để ba mẹ có thể cùng con tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, giúp con lưu lại những kỉ niệm đẹp như: đi xe điện đụng, trải nghiệm phòng chiếu phim 5D, khám phá khu Vườn cổ tích, Đấu trường súng bóng cùng hàng trăm máy game hiện đại. 

Các bé được trải nghiệm hóa thân thành nhiều nghề nghiệp khác nhau tại VinKE 

Các bé được trải nghiệm hóa thân thành nhiều nghề nghiệp khác nhau tại VinKE

>>> Còn chần chừ gì mà không booking vé vào cửa VinKE & Vinpearl Aquarium ngay thôi nào!

Với vẻ đẹp và ý nghĩa đặc biệt, chùa Một Cột luôn là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khi đến Hà Nội. Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm không chỉ về văn hóa và lịch sử, mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng nét độc đáo trong kiến trúc và tâm linh của chùa. 

 

Tham khảo các ưu đãi VinWonders hot nhất

Chia sẻ tin qua:
  • Copy to clipboard

Bài viết liên quan

Tìm vé
Đặt vé