Turn your device in landscape mode.
logo
28 oC
Thứ sáu
22/03/2024
28oC
Thứ bảy
23/03/2024
27oC
Chủ nhật
24/03/2024
28oC
Thứ hai
25/03/2024
27oC
Thứ ba
26/03/2024
27oC
VinWonders Nha Trang
3
Đền Cổ Loa

Đền Cổ Loa – Ngôi đền thờ vua An Dương Vương tại kinh đô Âu Lạc xưa

18/05/2023 554 views

Đền Cổ Loa hay đền thờ An Dương Vương nằm trong quần thể di tích Cổ Loa. Đến đây, du khách sẽ được quay lại quá khứ, sống trong những truyền thuyết xa xưa và trầm trồ không ngớt trước các kỳ quan kiến trúc từ hàng trăm năm nay của cha ông ta.

Hà Nội được xem như “cái nôi” của văn hóa Việt, với rất nhiều công trình di tích lịch sử gắn liền với hàng nghìn năm phát triển của dân tộc. Trong đó, đền Cổ Loa là một điểm đến tâm linh có ý nghĩa văn hoá lịch sử vô cùng quan trọng mà bạn không nên bỏ lỡ khi du lịch Hà Nội.

1. Giới thiệu về đền Cổ Loa

Đền Cổ Loa được xây trên nền nội cung của kinh đô u Lạc ngày trước

Đền Cổ Loa được xây trên nền nội cung của kinh đô Âu Lạc ngày trước (Nguồn: Sưu tầm)

Đền Cổ Loa hay còn được gọi là đền thờ vua An Dương Vương hoặc đền Thượng, nằm ngay trung tâm thành Cổ Loa, thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là nơi thờ vua An Dương Vương, người đầu tiên lập ra nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta. Đền Cổ Loa được xây dựng từ thời vua Lê năm 1687 và được trùng tu lần đầu năm 1893.

Mang ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, văn hoá, năm 1962 đền Cổ Loa đã được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia và xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Hiện nay, đền Cổ Loa trở thành một trong những địa điểm du lịch Hà Nội tâm linh hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.

2. Hướng dẫn cách di chuyển đến đền Cổ Loa

Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 24km nên đền Cổ Loa là một trong những điểm tham quan yêu thích trong bản đồ du lịch Hà Nội của nhiều du khách vào mỗi dịp cuối tuần. 

Nếu đi bằng xe máy, từ trung tâm thành phố, bạn đi theo quốc lộ 1A cũ khoảng 10km tới thị trấn Yên Viên. Sau đó rẽ trái vào quốc lộ 3, đi thêm 5km là đến lối rẽ vào đền Cổ Loa.

Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn xe bus làm phương tiện di chuyển đến đền Cổ Loa. Nếu bạn ở khu vực Mỹ Đình có thể bắt tuyến 46, còn nếu xuất phát từ trạm trung chuyển Long Biên có thể bắt các tuyến 15, 17.

3. Khám phá đền Cổ Loa có gì hấp dẫn?

3.1. Khám phá kiến trúc cổ kính của ngôi đền

Đến đền Cổ Loa, du khách không chỉ được khám phá, tìm hiểu về lịch sử dựng nước giữ nước của cha ông ta, và cầu may mắn, bình an cho gia đình mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ kính đầy độc đáo.

Di tích đền Cổ Loa rộng khoảng 19.138,6m2, nằm trên một quả đồi mà theo truyền thuyết xưa trước đây là cung thất của nhà vua. Đền được xây theo hướng nam, các công trình kiến trúc chính của đền đều nằm trên trục Dũng đạo (Thần đạo).

Cổng đền Cổ Loa

Cổng đền Cổ Loa (Nguồn: Sưu tầm)

Bước vào đền du khách sẽ được chiêm ngưỡng cổng tam quan bề thế với lầu thượng cao, hai bên lối đi có hai mắt rồng đối xứng nhau. Đi sâu vào bên trong là khu đền chính được xây trên nền đất cao với phía trước là tòa nhà tiền đường, phía sau là toà thượng điện. Trong cùng thượng điện là hậu cung, nơi đặt bàn thờ của vua An Dương Vương. Trên bàn thờ đặt bức tượng vua An Dương Vương mặc triều phục được đúc bằng đồng, nặng 255kg.

Tượng vua An Dương Vương

Tượng vua An Dương Vương (Nguồn: Sưu tầm)

Phía tây đền là nhà bia, được xây trên một khu đất cao, quay mặt hướng vào đền. Đây là một công trình kiến trúc nhỏ, có dạng Phương đình, 2 tầng 8 mái – một kiến trúc gỗ mái lợp ngói mũi hài rất bắt mắt. 

Nhà bia trước đây là miếu thờ Thần Nông

Nhà bia trước đây là miếu thờ Thần Nông (Nguồn: Sưu tầm)

>>> Bỏ túi: Đền Ngọc Sơn kinh nghiệm tham quan, đi lễ từ A-Z

3.2. Tham gia lễ hội đền Cổ Loa

Lễ hội đền Cổ Loa kéo dài từ ngày mùng 6 Tết đến hết ngày 18 tháng Giêng và được tổ chức cách nhau 3 – 5 năm 1 lần. Theo truyền thuyết xưa, mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung, sau đó 3 ngày thì lên ngôi vua và mở hội chiêu đãi các quân binh. Lễ hội đền Cổ Loa cũng xuất hiện từ đó và gìn giữ đến tận ngày nay như là một sự kiện để tưởng nhớ công lao của vua An Dương Vương và giáo dục cho thế hệ sau về tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. 

Lễ hội đền Cổ Loa

Lễ hội đền Cổ Loa (Nguồn: Sưu tầm)

Cũng giống như nhiều lễ hội truyền thống khác, lễ hội đền Cổ Loa gồm 2 phần lễ và hội diễn ra với rất nhiều nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian vô cùng thú vị và đặc sắc. Vì vậy, nếu thích khám phá các lễ hội truyền thống, du khách có thể ghé thăm đền Cổ Loa vào những dịp này.

3.3. Các địa điểm tham quan quanh đền Cổ Loa

3.3.1. Di tích giếng Ngọc

Giếng Ngọc - Di tích gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ

Giếng Ngọc – Di tích gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thuỷ (Nguồn: Sưu tầm)

Phía trước đền Cổ Loa là một hồ nước lớn, có hình cung tròn được kè bằng đá, giữa hồ có một giếng cổ gọi là giếng Ngọc. Theo truyền thuyết, đây chính là hồ nước mà Mỵ Châu và Trọng Thuỷ vẫn thường tới bơi thuyền du ngoạn khi chưa xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược Triệu Đà. Sau chiến tranh, vì quá ân hận đã gây ra cái chết cho người vợ yêu quý của mình, Trọng Thuỷ đã nhảy xuống giếng tự vẫn.

Ngoài ra, trong dân gian còn truyền nhau rằng, dòng máu của Mỵ Châu khi bị Vua cha chém đầu, loài trai ăn phải biến thành ngọc trai, nếu đem về rửa tại giếng thì ngọc càng sáng. Chính vì vậy mà giếng này được đặt tên là giếng Ngọc.

3.3.2. Đền thờ Cao Lỗ

Nằm cách không xa đền Cổ Loa là đền thờ Cao Lỗ. Ông là một vị tướng tài ba dưới thời vua Thục Phán, có công sáng tạo ra nỏ Liên Châu hay nỏ Kim Quy (có thể bắn được nhiều mũi tên cùng một lúc). Ông cũng là người có công lớn trong việc giúp vua xây dựng thành Cổ Loa. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân đã đúc tượng và xây dựng đền thờ. 

Tượng Cao Lỗ bằng đá đặt giữa hồ nước nhỏ, tay cầm nỏ Liên Châu, dáng đứng hiên ngang, khắc họa một cách sống động vị tướng tài ba của dân tộc.

>>> Tìm hiểu thêm: Chùa Hương – địa điểm du lịch tâm linh hút khách bậc nhất miền Bắc

3.3.3. Am Bà Chúa

Am Bà Chúa hay còn được gọi là mộ Mỵ Châu là nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Trong am có bức tượng Mỵ Châu thực chất là một tảng đá tự nhiên có hình dáng người không đầu. Theo truyền thuyết xưa, sau khi chết, Mỵ Châu đã hóa thân thành tảng đá, trôi dạt về bãi Đường Cấm, phía Đông thành Cổ Loa. Người dân đem võng ra cáng, nhưng về tới gốc đa thì võng đứt làm tảng đá rơi xuống, thấy vậy bèn lập bàn thờ ngay tại đây. 

Ngày nay, có rất nhiều người tìm đến am Bà Chúa để cầu xin tình duyên, hạnh phúc gia đình.

3.3.4. Khu vực trưng bày hiện vật khảo cổ

Nhà trưng bày hiện vật khảo cổ

Nhà trưng bày hiện vật khảo cổ (Nguồn: Sưu tầm)

Nhà trưng bày với diện tích hơn 300m2, gồm 2 tầng là nơi triển lãm các hiện vật cổ được khai quật trong khuôn viên di tích Cổ Loa. Trong đó, tầng 1 trưng bày sơ đồ quy hoạch, sa bàn mô hình tổng thể và phòng chiếu phim tư liệu, hình ảnh về khu di tích Cổ Loa. Tầng 2 là nơi trưng bày 300 hiện vật khảo cổ có niên đại từ thời Phùng Nguyên đến nay.

>>> Xem thêm: Hoàng thành Thăng Long – ghi dấu lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội

3.4. Tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của đền Cổ Loa

Đền Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết về vua An Dương Vương đóng đô, xây thành, về nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc, về mối tình bi thương của Mỵ Châu – Trọng Thuỷ… Hàng nghìn năm nay, hình ảnh Cổ Loa cùng với những nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá này đã đi sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam. 

Ngày này, đền Cổ Loa trở thành một di sản văn hoá, một minh chứng sống về sức sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hoá của cha ông ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn về công lao to lớn của các vị anh hùng và có ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cổ Loa được nhiều trường học lựa chọn làm nơi tham quan, học tập cho các em học sinh

Cổ Loa được nhiều trường học lựa chọn làm nơi tham quan, học tập cho các em học sinh (Nguồn: Sưu tầm)

4. Những lưu ý khi du lịch đền Cổ Loa

Nếu bạn có kế hoạch ghé thăm đền Cổ Loa thì đừng bỏ qua những thông tin hữu ích về giá vé, giờ tham quan cũng như những lưu ý cần thiết dưới đây để có một chuyến đi vui vẻ và thuận lợi nhất:

  • Giá vé tham quan là 10.000 VNĐ/người, học sinh và trẻ em: 5.000 VNĐ/người. Miễn phí vé tham quan đối với trẻ em dưới 15 tuổi và người có công với cách mạng. Chi phí làm lễ dâng hương 600.000 VNĐ/đoàn. Chi phí thuê hướng dẫn viên du lịch khoảng 300.000 VNĐ/hướng dẫn.
  • Khu di tích Cổ Loa mở cửa cho khách tham quan từ 8h – 17h hàng ngày.
  • Cổ Loa mùa nào cũng đẹp nhưng bạn nên đến tham quan vào mùa hè bởi vì lúc này thời tiết khô ráo cùng hoa phượng, hoa bằng lăng nở rộ chắc chắn sẽ cho bạn những bức ảnh check-in tuyệt đẹp. Còn nếu yêu thích không khí nhộn nhịp của mùa lễ hội thì hãy ghé thăm Cổ Loa vào những ngày 4 – 15 tháng Giêng để tham gia lễ hội đền Cổ Loa cùng người dân nơi đây.
  • Đền Cổ Loa là di tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử vì vậy bạn nên lựa chọn những trang phục lịch sự, kín đáo. 
  • Tránh nói to, gây ồn ào, ảnh hưởng đến du khách khác cũng như sự thanh tịnh, bình yên của di tích.
  • Không được sờ mó, nghịch ngợm lung tung vào các hiện vật trưng bày trong di tích.

Sau khi tham quan xong đền Cổ Loa nếu còn dư dả thời gian du khách có thể ghé qua một số địa điểm tham quan hấp dẫn khác của Thủ đô như: Hồ Gươm, Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long… Đặc biệt với những du khách yêu thích các hoạt động vui chơi giải trí thú vị thì đừng bỏ qua VinKE & Vinpearl Aquarium.

Vinpearl Aquarium - Thuỷ cung giữa lòng Thủ đô

Vinpearl Aquarium – Thuỷ cung giữa lòng Thủ đô

Thuỷ cung Times City Vinpearl Aquarium là địa điểm lý tưởng dành cho những ai thích khám phá thế giới đại dương. Tới đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những loài cá rực rỡ sắc màu, tung tăng bơi lội, thưởng thức các màn biểu diễn dưới nước đặc sắc và đem về cho mình những bức ảnh sống ảo có một không hai.

Trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại VinKE

Trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại VinKE

Trong khi đó, VinKE lại là sự kết hợp thú vị giữa vui chơi giải trí và giáo dục hướng nghiệp cho trẻ. Tại đây, các bé sẽ được trải nghiệm hoá thân vào các nghề nghiệp mơ ước như bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát giao thông… Từ đó, các em có thể khám phá ra sở thích cũng như năng khiếu tiềm ẩn của bản thân, giúp bồi dưỡng kiến thức và phát triển các kỹ năng cần thiết trong tương lai.

Đặt ngay vé VinKE & Vinpearl Aquarium

Đền Cổ Loa không chỉ là một di tích lịch sử đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước mà còn là biểu tượng của dân tộc Việt Nam với những giá trị văn hoá tốt đẹp. Vì vậy, bạn còn chần chờ gì mà không thử một lần đến với Cổ Loa để được sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng cũng như yêu thêm văn hoá và cội nguồn của dân tộc.

Tham khảo các ưu đãi VinWonders hot nhất

Chia sẻ tin qua:
  • Copy to clipboard

Bài viết liên quan

Tìm vé
Đặt vé