Đồi Vạn hoa là một công viên thực vật 5 châu thuộc VinWonders Nha Trang. Công viên thực vật màu sắc này sở hữu chuỗi 5 nhà kính và 3 khu vườn mở ngoài trời tạo ra thế giới thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Các khu vực trồng cây được quy hoạch theo vùng khí hậu từ ôn đới, nhiệt đới đến hoang mạc theo kết cấu liên hoàn Vườn Việt, Vườn Nhật, Vườn Phi…
Trong bài viết này, hãy cùng khám phá Khu vườn Nhật tại đây.
1. Khu vực vườn Nhật
Vườn Thiền (Zen Garden)
Vườn thiền là một trong những kiểu vườn cảnh truyền thống Nhật Bản, mang đậm dấu ấn của Thần đạo (Shinto). Vườn cảnh Nhật có khá nhiều kiểu, nhưng trong đó loại vườn đặc biệt nhất là vườn Karresansui – Vườn khô, hay còn được gọi chung là Vườn Thiền. Trong tiếng Hán (văn tự chung của bốn nước Đồng Văn trước kia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam), vườn Karesansui có nghĩa là “khô sơn thủy”, “quanh cảnh khô cạn” hoặc “núi và nước khô cạn”. Trong tiếng Anh, phong cách vườn Karesansui được gọi là Zen Garden) do loại vườn này được xây dựng trong một số ngôi chùa thiền phái Rinzai, và một số nhà thiết kế sân vườn nổi tiếng trong lịch sử như Muso Soseki và Soami đều là những tăng lữ phái Thiền Tông. Mặc dù vườn Karesansui xuất phát từ các ngôi chùa, nhưng chúng ta cũng có thể bắt gặp chúng trong những ngôi nhà riêng của các gia đình, hay các tòa nhà thương mại, cửa hàng, tiệm cơm, quán trọ… bởi vẻ đẹp của nó được số đông ưa chuộng.
Những khu vườn Karesansui cổ điển thể hiện rõ một ý niệm cốt lõi của Mỹ học Nhật Bản – một quan niệm chịu ảnh hưởng bởi triết học Thiền Tông và Phật giáo Đại thừa sau hàng ngàn năm phát triển, đó là quan niệm thẩm mỹ “waba sabi”. Quan niệm thẩm mỹ này đề cao vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, vẻ đẹp vô thường, sự đơn giản và tính khiêm nhường tôn trọng vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên vạn vật.
Những khu vườn Karesansui được vẽ nên bởi các chất liệu cát, đá, sỏi…Từ núi nhưng không phải núi, từ nước nhưng không phải nước mà chúng được biểu hiện bằng cát, đá hoặc sỏi, còn những ngọn núi nhấp nhô được biểu hiện bằng các tảng đá. Hay nói một cách khác, các yếu tố về sơn về thủy được biểu hiện bằng yếu tố biểu trưng như cát hay sỏi. Đôi khi cũng có thể có thêm các yếu tố rêu xanh, thảm cỏ, cây cảnh hoặc một số yếu tố tự nhiên khác.
Với những khu vườn Karesansui thì nghệ thuật sắp đặt đá là rất quan trọng, bởi đá là yếu tố chính của khu vườn và cũng là một yếu tố quan trọng của phong thủy.
Hồ cá Koi
Cá Koi có một lịch sử rất lâu đời trong văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản. Ban đầu chúng là cá chép thường, sau đó được thuần hóa, chọn lọc và nuôi để tạo ra những màu sắc khác nhau. Hiện cá Koi có hơn 100 loại màu sắc khác nhau.
Cá Koi luôn được xem là ngọn lửa nghị lực cho cuộc sống. Điều này bắt nguồn từ điển tích “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng” trong truyền thuyết Trung Hoa. Tương truyền, trên đỉnh ngọn núi cao nhất có một cánh cổng tương thông với thiên đàng, bất kì con cá nào bơi ngược dòng, vượt thác thành công sẽ được thăng thiên hóa rồng. Trên đường đến đỉnh núi là vô vàn thử thách khó khăn: dòng chảy xiết, thiên nhiên khắc nghiệt và địa hình hiểm trở. Bởi thế vẫn chưa con cá nào vượt thác thành công. Dù vậy, bao đời cá Koi vẫn miệt mài, kiên trì bơi ngược dòng để vươn tới ước mơ. Đó chính là biểu tượng cho lòng ngoan trường, dũng cảm đáng học hỏi. Thác nước đó gọi là Vũ Môn. Huyền thoại kể rằng cho đến ngày nay, bất kỳ chú cá Koi nào có sức mạnh để hoàn thành cuộc hành trình vượt qua cổng Vũ Môn sẽ trở thành một con rồng bay lên trời. Người xưa còn kể lại rằng khi một chú cá Koi bị bắt, nó sẽ chờ đợi con dao mổ thịt mà không có một sự sợ hãi nào. Đó chính là sự dũng cảm của một chiến binh Samurai khi phải đối mặt với thanh gươm trong trận chiến. Điều này đã đưa cá Koi vào trong văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng cho sức mạnh và lòng can đảm.
Cá Koi cũng là biểu tượng cho giàu sang – phú quý. Người xưa quan niệm, bảy con Koi vàng sẽ mang lại sự thịnh vượng, tài lộc cho gia chủ. Kích thước cá càng lớn, càng mang lại nhiều may mắn. Bên cạnh đó, cá Koi còn tượng trưng cho: Sự may mắn, thành công, trường thọ, bền chí, can đảm.
2. Khu vực Nhà Nhật
Bàn trà Nhật
Với người Nhật, trà đạo (chadou, sadou, chanoyu) là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, mà cả chủ lẫn khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên.
Nơi trải nghiệm trà đạo được gọi là phòng trà. Trong nhà được trang bị các hốc, bếp lò, và các dụng cụ như nước đun sôi, trà. Dụng cụ làm sạch được đặt trong một túp lều gọi là nhà nước. Các cửa sổ được làm bằng giấy. Bức tường được treo thư pháp và tranh. Những chiếc bình được sắp xếp và cắm hoa theo mùa. Phòng trà được bày biện rất đơn giản nhưng khách có thể cảm nhận được nét đẹp nhẹ nhàng, thanh tao, không khí ấm áp, thể hiện sự mến khách của chủ nhà. Chủ nhà trong bộ kimono truyền thống cúi mình tiếp đón khách một cách nhẹ nhàng và lịch sự ngay ngưỡng cửa phòng trà. Lối vào phòng trà đạo Nhật Bản thường bao giờ cũng thấp khiến mọi người đều phải cúi mình để đi, tượng trưng sự cung kính và khiêm tốn.
Những buổi tiệc trà lớn thường kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, trước tiệc trà, khách được phục vụ một chiếc bánh ngọt xinh xắn có hình dạng và màu sắc tùy theo từng dịp lễ hay theo mùa, chẳng hạn như hình lá momiji (một loại lá đỏ vào mùa thu), hay hình hoa sakura (hoa anh đào vào mùa xuân). Trong thời gian này, chủ nhà tiến hành các bước pha trà.
Nước pha trà là tiêu chuẩn đầu tiên được đề cập tới trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản. Tuyệt đối không được dùng nước đang sôi để pha trà đối với tất cả các loại trà Nhật Bản, trà xanh, hay trà bột dùng trong lễ dâng trà. Nước pha trà phải luôn được giữ trong một bình thủy hay được nấu trong ấm kim khí (kim loại) và được đun trên bồn than lửa nhỏ để giữ nước luôn ở khoảng 80 – 90 độ C. Tuy nhiên sau đó nhiệt độ để pha từng loại trà sẽ được điều chỉnh phù hợp với loại trà sử dụng.
Khi pha trà, dụng cụ pha trà và tách uống trà đều được tráng bằng nước sôi để làm ấm và sạch dụng cụ sau đó dùng khăn lau khô rồi mới rót trà vào trong. Trước khi cho trà vào ấm, người pha trà thường ngửi trà để phân biệt trà được pha là loại trà nào, sau đó căn cứ vào số người dùng trà mà lựa chọn cách pha trà cho phù hợp để đảm bảo hương vị của trà không quá đặc cũng không quá loãng. Chén trà được rót phải đảm bảo cả về hương, vị và sắc. Khi pha trà còn cần phải chú ý đến lượng nước pha trà sao cho vừa đủ để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm chất lượng của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ và làm mất màu xanh của trà. Để đảm bảo cho chất lượng của chén trà luôn ở cùng một trạng thái thì khi rót trà vào tách đều phải có chừng mực. Người rót trà dùng mắt để quan sát xem màu sắc của trà, dùng mũi để ngửi hương vị trà. Điều này đảm bảo không có sự khác biệt về độ đậm nhạt của trà.
Với người thưởng trà cũng có những yêu cầu như: Thái độ kính trọng và cách thưởng thức khá thú vị. Họ luôn dùng vài miếng bánh ngọt để sử dụng cùng với trà. Và việc ăn như thế nào, uống như thế nào thể hiện được vị thế và kiến thức hay nền tảng giáo dục của người đó.
Kiếm Katana
Theo quan niệm của người Nhật , thanh kiếm Katana chính là biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự trung thành và tinh thần thượng võ của những võ sĩ Samurai, ngoài ra chúng còn được xem như một nét văn hoá truyền thống đặc trung của đất nước mặt trời mọc.
Trước đây tất cả mọi người ai cũng có thể sử dụng kiếm, nhưng vào khoảng thời gian 1588 thì ngoài các võ sĩ samurai ra thì kông ai được quyền sở hữu chúng. Một thời gian sau, khoảng năm 1876, do các vấn đề về quan điểm, nhà nước cầm quyền cũng ra lệnh cấm các samurai sở hữu kiếm, lúc này những đặc quyền sử dụng kiếm được trao lại cho công an và quân đội, nhưng sau khi các cuộc chiến tranh kết thúc, chính phủ lâm thời đã ban hành các thực thi cải cách, trong đó có việc cấm tất cả mọi người không được sử dụng kiếm, trừ những trường hợp đặc biệt, có giấy phép đăng ký hoặc dùng vào mục đích trưng bày.
Đối với một samurai thì thanh kiếm là thứ không thể thiếu, nó không những là một công cụ chiến đấu lợi hại mà còn thể hiện cho tinh thần, phẩm giá và danh dự của họ. “Kiếm còn người còn, kiếm mất người cũng mất ”. Chính vì vậy mỗi samurai coi thanh kiếm như mạng sống của mình, và sẽ truyền chúng lại cho các thế hệ tiếp theo.
Người Nhật đã có một truyền thống rèn kiếm lâu đời. Kiếm, ngọc và gương là ba bảo vật truyền quốc, được coi như biểu tượng của hoàng gia. Thời xa xưa, phong tục cổ truyền của Nhật Bản là khi gia đình sinh một đứa con trai, mỗi người dân trong làng sẽ đến mừng cho quý tử mỗi người một ít mạt sắt. Sắt đó sau này, khi cậu bé trưởng thành, sẽ được một kiếm sư rèn thành thanh kiếm cho cậu bé ấy. Trước khi rèn một thanh kiếm, bao giờ kiếm sư cũng trai giới ( giống như lễ rửa tội), cầu xin thần linh phù hộ và sau đó mặc lễ phục để rèn kiếm. Người ta nói rằng, kiếm sư rèn kiếm không còn là một công việc mà là một nghi lễ, thân tâm hợp nhất, tập trung toàn bộ tinh thần từ khi bắt đầu cho tới khi hoàn tất.
Thanh kiếm katana không phải chỉ là một lưỡi dao dài dùng làm vũ khí chiến đấu, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác tượng trưng cho chủ nhân của nó. Vì vậy trong quá trình chế tạo, người ta không những phải thử xem nó có đủ sắc để xuyên qua nhiều lớp áo giáp hay không mà đôi khi còn lấy cả bản thân ra để thử có “ vừa ý” hay không.
Mũ Samurai
Mũ Samurai hay còn gọi là Mũ Kabuto là chiếc mũ bảo vệ phần đầu quan trọng nhất đối với các lãnh chúa trong thời kỳ Sengoku. Trong số các vị tướng nổi tiếng trong lịch sử, hơn cả ý nghĩa của áo giáp để bảo vệ người của họ,những Shogun,daimyo,lãnh chúa đã sử dụng những chiếc mũ đặc biệt để nổi bật trên chiến trường và thể hiện phẩm giá và địa vị. Thiết kế mũ của samurai, nơi các tướng lĩnh lịch sử thể hiện niềm tin và tín ngưỡng của riêng họ,cho đến nay vẫn lay động trái tim của mọi người đam mê văn hoá Nhật Bản.
Trưng bày những chiếc mũ hay bộ giáp Samurai tượng trưng cho sự dũng cảm của các chiến binh trong các cuộc chiến, Vì vậy việc trưng bày nón Samurai và áo giáp samurai có ý nghĩa rất đặc biệt đối với gia chủ.
Kimono
Kimono được biết đến là trang phục truyền thống cũng như là quốc phục của đất nước mặt trời mọc. Kimono thường được mặc vào những dịp đặc biệt. Qua họa tiết trang trí, cách mặc cùng những phụ kiện đi kèm, ta có thể biết được độ tuổi, giới tính, hay thậm chí cả tình trạng hôn nhân của người mặc.
Từ “kimono” trong tiếng Nhật có nghĩa là “thứ để mặc.” Ý nghĩa của thuật ngữ này đã thể hiện rằng kimono được người dân Nhật Bản coi là trang phục để mặc hàng ngày. Những bộ kimono truyền thống giúp chúng ta hiểu được cách ăn mặc của người dân Nhật Bản qua thời gian cũng như thể hiện được lối sống và văn hóa của Nhật Bản qua các thời kì. Có thể nói rằng, kimono đã phần nào thể hiện được giá trị bản sắc dân tộc của xứ Phù Tang.
Furisode – Furisode là loại kimono trang trọng nhất dành cho thiếu nữ, đặc biệt là những cô gái chưa kết hôn. Những trang phục này thường có vạt áo dài (từ 100-110 cm) và được trang trí với các hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. Furisode thường được mặc tại Lễ trưởng thành “Seijin Shiki” của Nhật Bản hoặc trong đám cưới dành cho cô dâu và những cô gái trẻ chưa kết hôn khác.
Kurotomesode – Kurotomesode là bộ kimono trang trọng nhất dành cho phụ nữ đứng tuổi. Những trang phục này thường có nền màu đen, thiết kế dọc theo viền áo. Kurotomesode được mặc cho các sự kiện trang trọng như đám cưới, thường dành cho người thân của cô dâu.
Homongi – Homongi là một loại kimono không quá trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ lịch sự và đặc biệt nổi bật với những họa tiết bắt mắt. Các họa tiết thường có ở mặt sau của vai phải, tay áo, mặt trước của vai trái và trên gấu áo hướng về phía bên trái. Thông thường, bạn bè của cô dâu sẽ mặc homongi trong đám cưới. Bộ trang phục này cũng được mặc trong những bữa tiệc quan trọng.
Komon – Komon là một loại kimono thông thường với những họa tiết trang trí giống nhau. Những bộ kimono này phù hợp cho những hoạt động thường ngày như đi dạo quanh thị trấn hoặc tham dự các lễ kỷ niệm nhỏ.
Obi là tấm vải thắt lưng của trang phục kimono, với vai trò không chỉ giúp bộ kimono được cố định mà còn dùng để trang trí. Obi dành cho những bộ kimono thông thường sẽ hẹp hơn và ngắn hơn so với obi dành cho những bộ kimono trang trọng – thường dài hơn và có khổ lớn hơn, cũng dùng để trang trí. Có nhiều cách khác nhau để buộc obi, tùy thuộc vào từng dịp và sự kiện khác nhau
Những sự khác biệt cơ bản giữa Kimono nữ và Kimono nam:
- Khác với những bộ kimono dành cho nữ, kimono dành cho nam thường đơn giản hơn.
- Không giống như tay áo của kimono dành cho nữ, thường dài và có vẻ không liền với thân áo, tay áo kimono của nam giới thường liền với thân áo và không dài quá vài inch so với phần nách áo.
- Một điểm khác biệt nữa chính là loại vải và màu sắc được sử dụng. Các kimono điển hình cho nam giới có một màu tối, dịu, chẳng hạn như đen, xanh đậm hoặc nâu. Các loại vải được sử dụng thường là vải thô. Những bộ trang phục thông thường sẽ có màu sáng, chẳng hạn như tím nhạt và xanh nhạt còn những bộ trang phục trang trọng thường có màu đen trơn cùng với những họa tiết viền tròn và thường mặc kèm với “haori” (áo khoác kimono) và “hakama” (quần ống cụt).
- Obi (vải quấn lưng) tương đối hẹp và được buộc ở thắt lưng, thường tối màu.
- “Geta” và “zori” (loại dép truyền thống của Nhật Bản) dành cho nam giới đơn giản hơn và không được trang trí, chỉ có một màu.
Tranh, bình phong kiến trúc Nhật
Trong các hình thức nghệ thuật ở Nhật Bản thì hội hoạ là một trong những nghệ thuật cổ xưa và tinh tế nhất với rất nhiều phong cách và chất liệu khác nhau. Từ lâu, tranh Nhật Bản vẫn được công nhận là có khả năng gợi vẻ đẹp thiên nhiên rất tinh tế, hoặc những bức tranh đạo thì cách thể hiện rất dễ cảm xúc lòng người. Cùng với dòng chảy của lịch sử, hội họa Nhật Bản đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống, đồng thời vẫn tiếp thu những tinh hoa hội hoạ nước ngoài. Ngày nay, nếu bước vào các phòng tranh ở Nhật, bạn có thể thấy chúng được chia ra thành hai dòng tranh chính là Youga( tranh kiểu Tây) và Nihonga. Nihonga (tranh kiểu Nhật). Tranh kiểu Nhật thường là dòng tranh theo phong cách cổ điển Nhật Bản được vẽ trên các chất liệu truyền thống như giấy washi hay lụa.
Tranh Nhật Bản tại các phòng trưng bày phần lớn được họa vừa có mục đích giáo dục, vừa để thưởng lãm. Tuy nhiên, hai mục đích này thường không có ranh giới rõ rệt. Tranh tại các phòng trưng bày được xếp loại theo chủ đề, có thể là cùng giai đoạn lịch sử, hoặc cùng đề tài, hay đánh dấu một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển nét họa riêng của mỗi họa sĩ. Truy tìm bối cảnh sáng tác và lưu hành của tất cả các bức tranh trong một nhà bảo tàng là công việc rất nản lòng, nếu không muốn nói là không thể thực hiện nổi. Tuy nhiên, mỗi khi người ta có thể tạo lập lại gốc tích, ý nghĩa của một bức tranh, ta càng có cơ hội thấy rõ được những giao xen phức tạp giữa các vai trò xã hội và mỹ học của bức tranh ấy.